Ba quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên hôm 7/3 cho biết giới chức nước này đang tìm hiểu liệu tên lửa đối không tầm trung AIM-120 AMRAAM, vốn được thiết kế cho tiêm kích phương Tây, có thể được triển khai trên chiến đấu cơ MiG-29 theo chuẩn Liên Xô của Ukraine hay không.
Nếu thành công, đây sẽ là lần đầu Mỹ cung cấp tên lửa không đối không cho phi đội tiêm kích Ukraine. Trước đó, một số tiêm kích MiG-29 đã sử dụng tên lửa diệt radar AGM-88B HARM và bom dẫn đường tăng tầm JDAM-ER, nhưng đây đều là những mẫu vũ khí tấn công mặt đất.
Giới chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng tích hợp tên lửa đối không AMRAAM lên tiêm kích MiG-29 là công việc khó khăn hơn nhiều so với những loại vũ khí đối đất trước đó.
"Không rõ tiêm kích Ukraine triển khai tên lửa AGM-88B và bom JDAM-ER như thế nào, nhưng chúng đều có thể rời bệ phóng mà không cần nhiều thao tác, giúp loại bỏ nhiều rào cản kỹ thuật trong quá trình tích hợp lên MiG-29", chuyên gia quân sự Joseph Trevithick viết trên chuyên trang War Zone. "Nhưng tên lửa dẫn đường bằng radar như AMRAAM thì khác, nó đi kèm với hàng loạt thách thức mới về kỹ thuật".
Vấn đề đầu tiên là tìm cách chỉnh sửa để những chiếc MiG-29 và Su-27 Ukraine khai hỏa được tên lửa AMRAAM. "Hệ thống của Mỹ và Liên Xô khác nhau đến mức tên lửa không thể trao đổi thông tin với máy bay. Quá trình đánh giá đang ở giai đoạn tìm phương án lắp tên lửa lên máy bay, cũng như tìm cách kết nối các hệ thống của phi cơ với loại vũ khí không nằm trong thiết kế của nó", một quan chức quốc phòng Mỹ nói.
Các kỹ thuật viên Mỹ cũng phải bảo đảm quả đạn có thể rời bệ phóng mà không va chạm với máy bay trong nhiều điều kiện khí động học khác nhau.
"Ngay cả khi tích hợp được AMRAAM lên máy bay, tầm hoạt động của radar đời cũ trên tiêm kích Ukraine cũng không đủ để tận dụng năng lực của tên lửa", Trevithick nêu khó khăn tiếp theo.
Nguyên lý hoạt động của AIM-120 AMRAAM là máy bay sẽ phát hiện mục tiêu bằng radar đối không và nạp dữ liệu vào quả đạn. Sau khi rời bệ, tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính để bay tới khu vực dự đoán có mục tiêu, trước khi kích hoạt radar chủ động trên quả đạn để tìm kiếm và lao tới đích.
Một số phiên bản AMRAAM trang bị đường truyền dữ liệu, cho phép máy bay liên tục cập nhật vị trí mục tiêu trong quá trình tiếp cận, tăng khả năng bám bắt ở giai đoạn bật radar chủ động.
Đầu dò radar chủ động cho phép tên lửa ứng dụng cơ chế "bắn và quên", giúp máy bay không cần liên tục khóa mục tiêu sau khi phóng đạn và thoát ly khỏi đòn bắn trả của đối phương. Tuy nhiên, điều này hạn chế đáng kể hiệu quả chiến đấu của AMRAAM ở tầm xa, khiến tỷ lệ diệt mục tiêu thấp hơn cả tên lửa dẫn đường bằng radar bán chủ động lạc hậu hơn.
"Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là không có tên lửa bắn và quên. Ngay cả khi sở hữu loại vũ khí này, radar của chúng tôi cũng không sở hữu tầm hoạt động như tiêm kích Nga", phi công Ukraine có biệt danh Juice thừa nhận.
Radar nguyên bản của tiêm kích MiG-29 là mẫu N019 với tầm phát hiện khoảng 80 km và bám bắt được mục tiêu ở khoảng cách 55-60 km. Thông số này chưa tận dụng hết tính năng tên lửa dẫn đường R-27R ra đời từ thời Liên Xô, vốn có tầm bắn khoảng 75 km.
Trong khi đó, quân đội Nga từng cho biết tiêm kích Su-35S đã phát hiện và bắn hạ biên đội chiến đấu cơ Ukraine từ khoảng cách 200 km.
Chưa rõ Mỹ đang nghiên cứu tích hợp phiên bản nào của dòng AIM-120 lên tiêm kích MiG-29 Ukraine. Biến thể AIM-120C-5 xuất khẩu rộng rãi cho đồng minh của Mỹ có tầm bắn khoảng 105 km, trong khi mẫu AIM-120B trang bị trên hệ thống phòng không NASAMS đã chuyển cho Ukraine có tầm bắn 50 km nếu khai hỏa từ máy bay và 30 km khi phóng từ mặt đất.
Một phương án được đề xuất là sử dụng dữ liệu mục tiêu từ cảm biến ngoài tiêm kích, như radar của hệ thống NASAMS và Patriot, để dẫn đường cho tên lửa AMRAAM.
Tuy nhiên, phương án này khó trở thành hiện thực, vì đòi hỏi nhiều chỉnh sửa trên hệ thống điện tử và thiết kế buồng lái của máy bay. Tính năng chia sẻ dữ liệu cũng chỉ được trang bị trên những mẫu AMRAAM tối tân, khiến Mỹ ngần ngại chuyển giao chúng cho Ukraine.
Washington cũng có thể trang bị radar phương Tây cho tiêm kích MiG-29 của Kiev. Giải pháp này yêu cầu lắp đặt nhiều thiết bị trong buồng lái và thân máy bay, đồng thời mất nhiều thời gian triển khai. "Tích hợp tên lửa đối không hiện đại lên tiêm kích đời cũ là quá trình rất lâu, tốn kém và phức tạp", phi công Juice thừa nhận.
Vũ Anh (Theo Drive)