Mỹ ngày 25/1 đột ngột thay đổi quan điểm và đồng ý viện trợ 31 xe tăng chủ lực M1 Abrams cho Ukraine sau nhiều tháng từ chối yêu cầu này. Cùng ngày, Đức cũng thông báo chuyển 14 xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine và cho phép các nước khác làm điều tương tự.
Xe tăng M1 Abrams dẫn dầu các cuộc tấn công của Mỹ trong nhiều thập kỷ, được triển khai ra mặt trận lần đầu trong Chiến tranh Vùng vịnh năm 1991. M1 Abrams có giáp dày, pháo chính 120 mm, hệ thống ngắm mục tiêu tiên tiến, bánh xích lớn và có thể đạt tốc độ tối đa 68 km/h.
Tuy nhiên, động cơ tua-bin khí của M1 Abrams với công suất 1.500 mã lực ngốn hàng trăm lít nhiên liệu khi hoạt động. Kevin Butler, cựu trung úy quân đội Mỹ từng là chỉ huy trung đội xe tăng, cho biết M1 Abrams tiêu thụ ít nhất 4,7 lít nhiên liệu mỗi km. Điều này đồng nghĩa các đơn vị M1 Abrams cần đoàn xe chở nhiên liệu trong tầm tiếp cận để duy trì đà tiến.
Giới chức Mỹ lo ngại nhu cầu nhiên liệu sẽ gây ra ác mộng hậu cần cho lực lượng Ukraine. Xe tăng M1 Abrams có thể vượt địa hình tuyết và bùn lầy tại Ukraine, song xe bồn chở nhiên liệu thì không.
Ngoài ra, động cơ của M1 Abrams giống các loại động cơ tua-bin khí khác cần không khí được lọc bằng thiết bị ở phía sau xe. Khi các bộ lọc này bị tắc bởi cát hoặc mảnh vỡ có thể gặp trên chiến trường, động cơ xe không thể hoạt động.
"Xe tăng M1 Abrams là thiết bị rất phức tạp, đắt tiền, khó đào tạo và không phải hệ thống dễ bảo trì. Chúng chưa chắc là hệ thống phù hợp", Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl hồi tuần trước nhận định về thách thức mà Ukraine đối mặt khi vận hành xe tăng M1 Abrams.
Quá trình huấn luyện vận hành xe tăng M1 Abrams sẽ mất nhiều tháng. Các binh sĩ Ukraine sẽ phải học cách vận hành hệ thống phức tạp hơn xe tăng họ có, cũng như làm thế nào duy trì hoạt động và cung cấp nhiên liệu cho chúng.
Khi được hỏi lý do khiến Mỹ thay đổi quan điểm và quyết định chuyển xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, các quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden nhiều lần lảng tránh. Tổng thống Biden trả lời rằng "Đức không buộc tôi phải thay đổi quyết định".
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin Berlin đã đặt điều kiện cho Washington rằng họ phải chuyển cho Kiev xe tăng M1 Abrams để đổi lấy việc Đức đồng ý bàn giao xe tăng Leopard 2. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius sau đó nói ông "không biết về sự sắp xếp như vậy".
Đức và Mỹ đã tổ chức "các cuộc đàm phán chuyên sâu" trước khi cả hai nước thông báo chấp thuận giao xe tăng chủ lực cho Ukraine. Một quan chức Mỹ cấp cao cho biết các cuộc đàm phán đã diễn ra trong một khoảng thời gian nhưng "đặc biệt quyết liệt trong vài tuần qua". Tổng thống Biden đã điện đàm với Thủ tướng Scholz. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cũng điện đàm với những người đồng cấp Đức.
Giới chức Mỹ chưa công bố thời hạn cụ thể để giao xe tăng M1 Abrams cho Ukraine, chỉ nói rằng điều này sẽ mất nhiều tháng và tiến trình đối với Leopard 2 sẽ nhanh hơn.
Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh hôm 26/1 cho biết quá trình chuyển giao xe tăng sẽ mất ít nhất vài tháng. Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ sử dụng ngân sách thuộc Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI) để mua xe tăng từ nhà sản xuất General Dynamics.
Tiến trình đào tạo binh sĩ Ukraine vận hành dự kiến bắt đầu sớm hơn và Lầu Năm Góc đang xây dựng chương trình huấn luyện. Doug Bush, trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm, nhận định binh sĩ Ukraine "cho thấy họ có kiến thức và có khả năng học vận hành các hệ thống mới một cách nhanh chóng".
"Chúng tôi thường có thể rút ngắn và đẩy nhanh những gì liên quan đến huấn luyện binh sĩ Ukraine. Với đủ động lực và khả năng tiếp cận họ 24/7, chúng tôi có thể đào tạo mọi người nhanh chóng. Lục quân Mỹ biết cách làm điều đó", ông Bush nói.
Nguyễn Tiến (Theo AP)