Giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp trên toàn cầu và tại Việt Nam để giảm thiểu tác hại tiêu cực lên môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin về các quy định, nguy cơ và giải pháp liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính tác động trực tiếp và gián tiếp tới doanh nghiệp.
Nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ về giảm phát thải, ứng dụng vào vận hành, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) phối hợp với VnExpress thực hiện khảo sát. Các ý kiến của doanh nghiệp sẽ được nghiên cứu, tổng hợp trong Báo cáo Phản ánh kiến nghị tháng 8/2022 của Ban IV trình Thủ tướng. Doanh nghiệp khảo sát mức độ nhận thức về giảm phát tại đây |
Song nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa nắm được yêu cầu kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính, chi phí vận hành hệ thống kiểm kê ra sao và phải kiểm kê như thế nào, chưa có hướng dẫn cụ thể cho tất cả các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Theo khảo sát nhanh của Bộ Công Thương với 43 cơ sở phát thải lớn, chỉ có 19 doanh nghiệp đã thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính theo yêu cầu của tập đoàn hoặc chuỗi cung ứng, nhưng phương pháp kiểm kê chưa rõ ràng. Một số doanh nghiệp chỉ áp dụng hệ số phát thải do công ty mẹ cung cấp để ước tính nên không thật sự chính xác. 3/4 số doanh nghiệp được khảo sát cho biết có dữ liệu liên quan đến phát thải khí nhà kính và năng lượng. Trong số này, gần một nửa có cả 2 loại dữ liệu.
Về các nội dung liên quan đến trách nhiệm doanh nghiệp với môi trường và xã hội, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) năm 2021 cũng đã ghi nhận sự tăng điểm về các nội dung này, với mức điểm đạt được là 11.59 so với 9.46 năm 2020. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần cải thiện về công bố thông tin về các hoạt động trách nhiệm xã hội và môi trường, khi đây vẫn là mức thấp so với điểm tối đa của nội dung này (30 điểm).
Cụ thể, có đến 25% doanh nghiệp chưa công bố các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình chính liên quan đến ngắn, trung hạn của công ty; 42% doanh nghiệp công bố còn sơ sài; chỉ 33% là công bố chi tiết, cụ thể với diễn giải chi tiết.
Là doanh nghiệp đứng thứ hai trong danh mục Báo cáo phát triển bền vững được vinh danh, Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ cho biết cũng đang gặp vấn đề về việc đặt mục tiêu cụ thể cho việc giảm phát thải khí nhà kính.
Thực tế, doanh nghiệp này lập Báo cáo phát triển bền vững từ năm 2015 với một số đề mục đơn giản. Từ năm 2016, Sợi Thế Kỷ bắt đầu tiến hành đo lường "dấu chân" carbon, chủ yếu liên quan đến quá trình sử dụng dầu diesel sử dụng cho xe nâng trong công ty (tức là thuộc SCOPE 1) và tiêu thụ điện năng (SCOPE 2).
Việc đo lường tiêu hao nguyên vật liệu và điện năng được Sợi Thế Kỷ thực hiện từ khi công ty mới đi vào hoạt động, năm 2000 khi gắn với văn hoá doanh nghiệp: cầu tiến, sáng tạo, tiết giảm tiêu hao tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm nay sẽ ban hành các hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hướng dẫn kỹ thuật kiểm kê khí nhà kính; danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính; đồng thời, phổ biến các phương pháp kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia và cấp lĩnh vực.
Theo ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone (Cục Biến đổi khí hậu), trong thời gian tới, các bộ quản lý cũng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn kỹ thuật cụ thể công tác kiểm kê khí nhà kính từng lĩnh vực. Ví dụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sắp ban hành Thông tư quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực quản lý chất thải. Các cơ sở xử lý chất thải hoàn toàn có thể tự mình thực hiện theo hướng dẫn tại đây. Bên cạnh đó, Cục cũng có đội ngũ chuyên gia, công ty tư vấn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo rằng kết quả kiểm kê khí nhà kính sẽ được công nhận ở cấp quốc gia và cấp quốc tế.
Thế Đan