Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo xử lý các dự án, nhà máy yếu kém ngành Công Thương chiều 6/9, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục xin ý kiến Thủ tướng về tổ chức bán đấu giá dự án Bột giấy Phương Nam. Trước đó, tháng 9/2016 Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý về chủ trương bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy.
Theo phương án thẩm định giá trị tài sản của Bộ Công Thương, dự án có giá trị hơn 1.700 tỷ đồng, gồm tổng tài sản và hàng tồn kho. Được xây dựng tại Long An, nhà máy có vốn đầu tư ban đầu gần 1.490 tỷ đồng.
Chủ đầu tư của nhà máy là Công ty TNHH Một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải (Tracodi) thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6. Sau nhiều năm "nâng lên đặt xuống không hoàn thành", tới tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapco) và được nâng vốn điều lệ lên hơn 3.409 tỷ đồng. Dự án này dừng hoạt động từ 2012 đến nay, và đến hết 2016 tổng nợ và lãi phải trả khoảng 2.695 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Công Thương tại cuộc họp cũng cho biết, trong số 12 dự án thua lỗ thì hiện 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã hoạt động ổn định, công suất đạt 75-90%. Khó khăn nhất vẫn nằm ở 5 dự án thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), dù nhiều phương án đã được đưa ra.
Đơn cử dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi (Ethanol Dung Quất), Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex) vẫn khó khăn, chưa thể khởi động lại. Hai dự án nhiên liệu sinh học còn lại là Phú Thọ và Bình Phước, thì hiện đã có nhà đầu tư "đánh tiếng" mua lại ethanol Phú Thọ.
Kết luận phiên họp, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh nỗ lực của Bộ Công Thương, các tập đoàn, tổng công ty trong xử lý, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cho rằng việc xử lý các vướng mắc của nhà thầu EPC ở một số dự án chưa tiến triển nhiều; việc tái cơ cấu nợ của Ngân hàng Phát triển và một vài ngân hàng thương mại còn chậm...
"Chính phủ không bỏ thêm tiền để khởi động lại nhà máy, dự án, và đây là trách nhiệm, quyền hạn của các cổ đông liên quan", Phó thủ tướng Huệ nhấn mạnh. Ông yêu cầu các Bộ, doanh nghiệp cơ bản hoàn thành dứt điểm các vướng mắc pháp lý với các nhà thầu EPC trong 2017, đồng thời có lộ trình xử lý cụ thể các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xử lý.
Phó thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo theo thẩm quyền tới các ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ, rà soát phân loại nợ, làm căn cứ để Bộ Tài chính giãn khấu hao cho các nhà máy, dự án. Bộ Tài chính được giao nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật số 71 và thuế xuất khẩu thạch cao nhân tạo.
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, tới hết năm 2018, Chính phủ phải giải quyết căn bản các yếu kém của các dự án và tới 2020 hoàn thành việc xử lý các dự án, nhà máy này.
* 5 dự án thua lỗ, "đắp chiếu" của PetroVietnam
Anh Minh