Luật sư Vũ Tiến Vinh. |
Vụ cướp tiệm vàng ở Bắc Giang là một ví dụ điển hình cho thấy mỗi chúng ta cần phải tỉnh táo để lựa chọn cách làm phù hợp với luật pháp mà không trái đạo đức trước các đòi hỏi của xã hội. Phải chăng cách hành xử bao che, dung túng của những bậc sinh thành ra bị can Lê Văn Luyện đã trở thành những tình tiết “tăng nặng” cho bị can? Sự bao che, dung túng đã vượt quá giới hạn cho phép đã làm cho chính họ trở thành bị can mà trước đó họ chưa bao giờ nghĩ tới?
Vẫn biết pháp luật thì vô tình nhưng trong trường hợp này pháp luật đã cân nhắc đến yếu tố tình cảm, đạo lý mà cho phép (nhưng không khuyến khích) trong một số trường hợp nhất định thì người thân được che giấu hoặc không có nghĩa vụ tố giác hành vi phạm tội của con em họ. Pháp luật không coi là tội phạm đối với hành vi che giấu người thân phạm một số tội (thường là ít nghiêm trọng) và không tố giác khi người thân phạm những tội không thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc những tội đặc biệt nghiêm trọng (gây nguy hại đặc biệt lớn mà khung hình phạt cao nhất là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).
Việc tố giác hành vi phạm tội của người thân trong những trường hợp pháp luật có yêu cầu vừa là trách nhiệm trước pháp luật, trách nhiệm trước xã hội vừa là cách để chúng ta không trở thành tội phạm. Ranh giới này rất mong manh nên đòi hỏi chúng ta phải biết phân biệt đúng - sai, phải có bản lĩnh, lí trí vững vàng để vượt lên trên tình cảm để từ đó có xử sự phù hợp. Nếu người thân phạm những tội ác tày trời thì sẽ không ai ủng hộ nếu chúng ta che giấu họ mà ngược lại còn lên án gay gắt. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết động viên người thân ra đầu thú thì bản thân kẻ phạm tội sẽ được khoan hồng mà việc làm đó cũng phù hợp với các chuẩn mực của đạo đức và pháp luật. Trong nhiều trường hợp, tố giác tội phạm vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân.
Kể cả với trường hợp người phạm tội không phải là người thân thì pháp luật cũng khuyến khích chúng ta có trách nhiệm động viên, thuyết phục kẻ phạm tội ra đầu thú dù họ phạm bất cứ tội gì mà chúng ta biết. Làm vậy tốt cho xã hội và hơn hết, tốt cho chính người phạm tội bởi họ cần phải hiểu rằng họ có thể thoát tội ở lần này nhưng không thể thoát tội ở những lần sau. Sớm muộn thì những hành vi phạm tội cũng sẽ bị trừng trị.
Quay lại vụ án cướp tiệm vàng ở Bắc Giang không những làm cho xã hội rất bức xúc, phẫn nộ trước hành vi phạm tội của Lê Văn Luyện khi sát hại tới ba người trong một gia đình, trong đó có một cháu bé mới 18 tháng tuổi mà còn làm cho xã hội phẫn nộ trước cách hành xử của cha mẹ và người thân của bị can khi cố tình che giấu cho Luyện. Họ không hiểu pháp luật hay vì thương con một cách mù quáng mà cố tình không hiểu pháp luật?
Trong vụ án này, chúng ta căm phẫn khi Luyện tước đoạt ba mạng người một cách dã man, tàn khốc nhưng có một điều có lẽ không nhiều người nghĩ tới đó là cách giáo dục nào, môi trường nào để Luyện khi chưa đủ 18 tuổi mà đã trở thành một tội phạm mà trời không dung, đất không tha? Nhìn cách xử sự của cha mẹ và người anh họ của Luyện thì có thể thấy việc Luyện trở thành tội phạm là điều không quá bất ngờ.
Túi trang sức (gần 50 cây vàng) được tìm thấy tại nhà Luyện. |
Phân tích diễn biến tâm lý của cha mẹ Luyện thì có thể thấy ngay khi Luyện mang một số vàng lớn về nhà thì nếu là một người bình thường sẽ căn vặn con mình xem vàng ở đâu mà có. Có thể người con không nói ra sự thật thì cha mẹ cũng phải suy luận có điều gì đó không bình thường trong việc này, có thể phải đặt ngay giả thuyết phải chăng con mình phạm tội để tìm hiểu bản chất sự việc? Vậy nhưng họ lại đi đào và chôn giấu vàng hộ người con! Ngay hành vi giấu vàng này đã thể hiện rõ họ nhận thức được việc con họ phạm tội mà có số vàng đó nhưng đã cố tình bao che cho con.
Ý thức bao che, dung túng được nâng lên một bậc khi báo chí phản ánh về vụ cướp của giết người được coi là thảm án ở một tiệm vàng gần đó và cha mẹ Luyện hiển nhiên hiểu rằng đó là tội ác do con họ gây ra. Vậy nhưng, họ vẫn không làm gì để giúp con họ được khoan hồng như động viên con ra đầu thú hay tự nguyện giao nộp tang vật cho cơ quan điều tra để giảm nhẹ phần nào trách nhiệm hình sự cho con mình. Việc bao che của gia đình không làm tăng trách nhiệm hình sự đối với Luyện bởi hành vi phạm tội của bị can đã hoàn thành nhưng làm chúng ta hiểu nguồn gốc tội phạm mà Luyện gây ra có một phần từ gia đình. Cha mẹ Luyện không đồng phạm với Luyện trong việc cướp của giết người nhưng “đồng phạm” với Luyện trong sự coi thường pháp luật, “đồng phạm” trong suy nghĩ là bất chấp nỗi đau của người khác miễn sao “có lợi” cho mình.
Đối với bị can Luyện vẫn chưa đủ 18 tuổi tính đến thời điểm phạm tội, hình phạt tối đa mà pháp luật có thể áp dụng cho Luyện cũng chỉ là tù có thời hạn dù hành vi phạm tội có nghiêm trọng đến đâu.
Tuy nhiên, qua sự việc này thì chúng ta thấy phía sau hành vi phạm tội của Luyện là một vấn đề rất nghiêm trọng trong xã hội hiện nay, đó là sự nhận thức lệch lạc của một số các bậc cha mẹ khi nuôi dạy con cái, sự yêu thương đến mức mù quáng có thể đã vô tình đẩy con cái vào vòng tội lỗi! Phải chăng việc chúng ta không gương mẫu, thậm chí sẵn sàng làm một việc nào đó vi phạm pháp luật ngay trước mặt con một cách thản nhiên thì liệu con chúng ta có tôn trọng pháp luật? Kết quả của cách làm này là con cái thấy việc cha mẹ vi phạm pháp luật là bình thường, có thể chưa phải gánh chịu chế tài nào mà vẫn đạt được mục đích thì lý do gì chúng không làm theo. Tất nhiên không phải gia đình nào cha mẹ làm những điều phi pháp thì con cái cũng bắt chước làm theo, nhưng chắc chắn nó là mối quan hệ nhân quả với hành vi phạm tội của con cái sau này.
Bởi vậy, chúng ta cần nhận thức lại thái độ và cách sống của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến thế hệ sau thế nào để rồi điều chỉnh cho phù hợp.
Ngẫm ra, cha mẹ tốt thì chưa chắc con đã tốt, nhưng cha mẹ tồi thì rất khó để con tốt!
Luật sư Vũ Tiến Vinh