Gần đây, một đám cưới ở thành phố Thâm Quyến nhanh chóng kết thúc trong sự kinh hãi khi dàn phù rể dùng búa tạ đập vào cửa sắt để mở đường cho chú rể vào nhà đón cô dâu và làm các mảnh kính trên cửa văng tung tóe vào mặt và chân tay của ba phù dâu đứng chờ trong nhà.
Video ghi lại sự việc cho thấy không khí náo nhiệt trong ngày vui ngay lập tức chấm dứt khi phù dâu và thợ chụp ảnh chảy máu be bét.
Người Trung Quốc có tục lệ tạo ra những trò vui gây náo động ngày cưới nhằm xua đuổi tà khí và cầu chúc điều may. Tuy nhiên, trong nhiều đám cưới, hai nhân vật chính hoặc phù dâu, phù rể đã biến thành nạn nhân của những trò đùa quá trớn.
Hồi giữa tháng 10, một phù rể trong đám cưới ở Sơn Đông, Trung Quốc, bị tổn thương não, hôn mê sau khi bị đám bạn tung lên cao rồi thả xuống đất. Trước đó không lâu, một chú rể bị thương nghiêm trọng, chảy máu bê bết vì bị đám bạn trói vào cột rồi đốt pháo xung quanh. Hay tại một đám cưới ở Thiên Tân, khoảng 5-6 người bạn của chú rể đeo sẵn khẩu trang, mỗi người cầm một bình cứu hỏa, chỉ chờ nhân vật chính xuất hiện để "tấn công". Chú rể sau đó đã ngất xỉu tại chỗ vì hít phải quá nhiều bọt và phải đi bệnh viện cấp cứu.
Chú rể bất tỉnh trong đám cưới vì trò đùa của đám bạn thân.
'Phù dâu' - công việc nguy hiểm
Cô dâu, chú rể không phải là nạn nhân duy nhất của những trò đùa. Meng Jun, chuyên tổ chức đám cưới ở tỉnh Sơn Đông, cho biết ngày càng khó kiếm phù dâu cho các đám cưới ở thành phố vì các cô gái trẻ sợ bị khách mời nam quấy rối tình dục trên danh nghĩa đùa vui.
Theo truyền thống, ở Trung Quốc, phù dâu giúp cô dâu từ việc đứng ra đón tiếp khách cho đến uống hộ rượu cho cô dâu. Hồi tháng 9, một phù dâu 28 tuổi ở Hải Nam tử vong sau khi bị ép uống quá nhiều rượu.
Bên cạnh đó, với vai trò biểu tượng là "bức tường thành" cuối cùng ngăn cách giữa cô dâu và chú rể, phù dâu ở Trung Quốc còn trở thành nạn nhân của những trò đùa thô tục. Trong một vài trường hợp, trò đùa đi quá giới hạn khi phù dâu bị lột váy áo và quấy rối.
Theo Hou Hongbin, một tác giả viết sách ở Quảng Châu, trước kia tình dục là đề tài cấm kị ở Trung Quốc, thanh niên trước khi kết hôn thường mù mờ và thiếu kiến thức về tình dục. Do vậy, bạn bè sẽ giúp đỡ chú rể bằng cách rỉ tai chia sẻ kinh nghiệm và để bày tỏ sự cảm kích, chú rể sẽ "bật đèn xanh" cho đám bạn được "đùa vui" với phù dâu. Cứ như vậy, việc này lặp đi lặp lại ở các đám cưới tiếp theo.
Phù dâu tại một đám cưới ở Quảng Châu hồi tháng 5 bị sàm sỡ tập thể.
Hơn nữa, trong một xã hội bảo thủ, đám cưới dường như trở thành một dịp hợp lý để các khách mời nam giới thoải mái hơn đề cập đến chủ đề tình dục tế nhị. Cộng với hơi men trong người và không khí huyên náo, khách mời "nhân đà" đẩy các trò đùa đi quá giới hạn thành hành động quấy rối tình dục phù dâu.
Dư luận Trung Quốc phẫn nộ trước vụ việc hai phù rể bị bắt hồi tháng 6 sau khi tấn công tình dục một phù dâu ngay tại ghế sau ôtô. Cũng vào khoảng thời gian đó, một phù dâu ở tỉnh Quảng Đông đã tử vong sau khi rơi từ ban công tầng 4 xuống do bị đám phù rể xô đẩy.
Gần đây nhất, tại một đám cưới vùng nông thôn tỉnh Quảng Đông, nhóm bạn chú rể đã bắt cóc phù dâu ra một chỗ và dùng bình xịt màu phun tới tấp vào đầu, mặt của cô gái. Vụ việc này một lần nữa làm dấy lên làn sóng phản đối các tục lệ tục bát nháo trong đám cưới truyền thống của Trung Quốc, biến phù dâu thành nạn nhân cho những trò vui đùa quá trớn hoặc tấn công theo kiểu "bầy đàn" của khách mời hoặc phù rể.
Trước mối nguy hiểm này, nhiều cô dâu không dám nhờ bạn bè làm phù dâu mà bỏ tiền ra thuê người. Nghề phù dâu chuyên nghiệp trở nên ngày càng phổ biến ở Trung Quốc. Theo một số công ty tổ chức đám cưới, tùy vào độ khó của dịch vụ, chi phí thuê một phù dâu dao động từ 30 USD đến gần 100 USD mỗi đám cưới.
An Hồng