Các nhà khoa học thuộc Đại học Southampton, Anh cùng đại học Tel Aviv và Viện Khoa học Biển (IUI), Israel nghiên cứu rạn san hô ở độ sâu 50 mét tại Biển Đỏ (nằm giữa châu Phi và châu Á). Họ phát hiện nhiều san hô tỏa sáng rực rỡ với màu huỳnh quang, từ xanh qua vàng rồi đến đỏ. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLoS ONE.
"Chỉ có phần ánh sáng Mặt Trời màu xanh xuyên qua độ sâu lớn hơn 50 m, vì thế chúng tôi không mong đợi nhìn thấy ánh sáng màu đỏ xung quanh. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy một số loài san hô phát ra ánh sáng màu lục hoặc màu cam rực rỡ", Science Daily dẫn lời Gal Eyal, nghiên cứu sinh ở IUI, cho hay.
"Sắc tố huỳnh quang chính là các protein. Khi chúng được chiếu sáng bằng ánh sáng màu xanh hoặc tia cực tím, chúng sẽ phản xạ lại ánh sáng có bước sóng dài hơn, chẳng hạn như màu đỏ hoặc màu lục", Jorg Wiedenmann, Trưởng phòng thí nghiệm Reef Coral thuộc Đại học Southampton, nói.
Tính chất quang học của loài san hô phát sáng có khả năng trở thành công cụ quan trọng cho các ứng dụng hình ảnh y sinh học. Ánh sáng huỳnh quang của chúng làm nổi bật tế bào sống hoặc cấu trúc tế bào dưới kính hiển vi, giúp theo dõi tế bào ung thư hoặc sàng lọc thuốc.
"San hô từ rạn mesophotic được nghiên cứu ít, vì chúng vượt quá giới hạn chiều sâu của kỹ thuật lặn Scuba tiêu chuẩn. Những tiến bộ trong kỹ thuật lặn cho phép chúng ta khám phá cộng đồng san hô ở vùng nước sâu hơn", Gal Eyal nói.
Lê Hùng (Video: Science Daily)