Một cuộc khảo sát toàn diện vào tháng trước, do Giáo sư Terry Hughes từ Đại học James Cook, Australia dẫn đầu, đã ghi nhận sự kiện tẩy trắng hàng loạt lần thứ ba chỉ trong 5 năm tại rạn san hô Great Barrier. Hiện tượng xảy ra sau khi nhiệt độ nước biển trong tháng 2 đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 1900.
"Chúng tôi đã khảo sát 1.036 rạn san hô từ trên không trong hai tuần để đo mức độ nghiêm trọng của sự kiện tẩy trắng trên khắp hệ thống Great Barrier", Hughes nói trong một tuyên bố. "Đây là lần đầu tiên, cả ba khu vực - phía bắc, trung tâm và phía nam - đều bị tấn công".
Tẩy trắng thường xảy ra do biến động nhiệt độ đại dương, khiến san hô khỏe mạnh bị căng thẳng và trục xuất tảo sống bên trong các mô của chúng ra ngoài. Hai sự kiện tẩy trắng gần nhất, vào các năm 2016 và 2017, đã phá hủy hơn một nửa san hô tại vùng biển nông phía bắc Great Barrier.
"Chúng tôi sẽ quay trở lại vào cuối năm nay để đánh giá chính xác thiệt hại của rạn san hô trong sự kiện lần này", Giáo sư Morgan Pratchett từ Đại học James Cook, một thành viên trong nhóm nghiên cứu cho biết.
Great Barrier, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1981, bao gồm hơn 2.900 rạn san hô và 900 hòn đảo lớn nhỏ trải dài 2.300 km. Nó cung cấp môi trường sống cho hàng nghìn loài động vật và đem lại 4 tỷ USD cho ngành du lịch Australia mỗi năm. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng hệ thống san hô lớn nhất thế giới này.
Đoàn Dương (Theo AFP)