Người bệnh cho biết làm nghề thợ xây, môi trường không sạch sẽ, vệ sinh không đảm bảo nên rận lây nhiễm.
Ngày 14/2, bác sĩ Đặng Minh Ngọc, Khoa Nhiệt Đới, Bệnh viện đa khoa huyện Nghi Lộc, cho biết vùng nách bệnh nhân có nhiều trứng rận, có thể quan sát bằng mắt thường. Soi trên kính hiển vi, bác sĩ phát hiện nhiều ấu trùng và rận trưởng thành bám vào da nách bệnh nhân, "không đếm nổi số lượng".
"Đây là lần đầu tiên tôi tiếp nhận một bệnh nhân bị rận mu bám nhiều trên nách như vậy, phải dùng thuốc liều cao để xử lý", bác sĩ Ngọc chia sẻ.
Bệnh nhân được cạo nấm, vệ sinh vùng nách để diệt rận và ấu trùng, trứng. Bác sĩ kết hợp thuốc điều trị tại nhà và hướng dẫn người bệnh vệ sinh mỗi ngày để tránh tái phát.
Rận mu, tên khoa học Pthirus pubis, là loài côn trùng nhiều chân, thường ký sinh và bám rất chắc ở da, lỗ chân lông vùng sinh dục, lông mi, tóc, lông mày... vật chủ. Chúng lây truyền qua tiếp xúc cơ thể như hôn, quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc trực tiếp từ người bệnh sang người lành. Rận mu còn có thể lây qua dùng chung chăn, chiếu, mùng mền, quần áo, khăn tắm...
Nam giới mắc bệnh nhiều hơn nữ do lông dày, rậm hơn, là điều kiện thuận lợi để rận sinh sôi, phát triển và lây lan sang những người xung quanh. Sau khi ký sinh trên vùng lông mu, rận trưởng thành sẽ bắt đầu quá trình sinh sản, phát triển. Thông thường, trứng rận nở sau khoảng 7-10 ngày, hút máu vật chủ để sinh sôi, gây nhiều triệu chứng khó chịu đối với bệnh nhân.
Bác sĩ khuyến cáo thường xuyên vệ sinh giữ cho cơ thể sạch sẽ. Điều trị rận mu không khó nhưng nếu không điều trị dứt điểm, bệnh nhân gãi ngứa gây trầy xước da, lở loét, dẫn đến bội nhiễm do vi khuẩn.
Minh An