Một tuần gần đây, rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều tại thôn Trung Hòa, xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) và thôn Lương Xá, xã Triệu Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) khiến người dân lo lắng. Ít nhất một người dân đã bị rắn cắn, may được cứu chữa kịp thời nên thoát hiểm.
![1-JPG-2953-1415934386.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/11/14/1-JPG-2953-1415934386.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xEfdbsDZmCMjLX8uSoVcnQ)
Anh Quân bị rắn lục tấn công ngay trước hè nhà mình. Ảnh: Lam Sơn.
Nạn nhân là anh Lê Thiện Quân (40 tuổi, trú thôn Trung Hòa, xã Hoằng Trinh). Anh Quân kể, cách đây hơn 10 ngày, lúc chập tối anh ra hè dắt xe máy vào nhà thì bất ngờ dẫm phải rắn và bị cắn vào ngón chân trái. Anh Quân hét lên rồi hô hoán người nhà tìm đánh chết con rắn.
Mọi người nhanh chóng garo và gọi taxi đưa anh lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Sau khi bị rắn cắn, cơ thể anh Quân tím tái, khó thở, chân trái sưng to. Trong những ngày đầu điều trị tại bệnh viện, anh Quân bị liệt chân trái không cử động được. “Các bác sĩ cho hay, may mà gia đình đưa tôi đến viện kịp thời, nếu để lâu hơn, có thể tôi đã mất mạng”, anh Quân cho biết.
Những người chứng kiến kể lại, con rắn bị đánh chết dài khoảng 40 cm, to bằng ngón tay, màu xanh, khoảng 7-8 cm phía đuôi có màu đỏ.
Những ngày sau đó, số lượng rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều hơn. Khoảng nửa tháng nay, người dân thôn Trung Hòa đã đánh chết 8 con rắn lục đuôi đỏ.
Tại thôn Lương Xá, xã Triệu Lộc cách đó một triền núi cũng xuất hiện nhiều rắn lục đuôi đỏ. Người dân đã đánh được khoảng 14 con rắn, riêng nhà anh Lâm đánh được 10 con trú ngụ trong giàn hoa thiên lý rậm rạp.
"Địa phương lâu nay chưa từng thấy xuất hiện loài sinh vật này. Chúng tôi nghi ngờ có người mang từ nơi khác đến thả để thực hiện ý đồ xấu", một người dân thôn Lương Xá nói. Tuy nhiên chính quyền địa phương bác bỏ suy đoán này.
![2-JPG-3532-1415934386.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2014/11/14/2-JPG-3532-1415934386.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tznhBjGqFZST1TA_ryFV3w)
Rắn lục đuôi đỏ thường xuất hiện ven chân núi, có khi trườn ngay vệ cỏ dọc các con đường liên thôn ở xã Hoằng Trinh. Ảnh: Lam Sơn.
Bà Trần Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Trinh cho biết, ngay khi có thông tin rắn độc xuất hiện trên địa bàn, chính quyền đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để bàn bạc cách ứng phó. “Chúng tôi đã báo cáo cấp có thẩm quyền đồng thời chỉ đạo cán bộ y tế sẵn sàng phương án cấp cứu nếu có người tiếp theo bị cắn”.
Ngành y tế khuyến cáo, ngay khi bị rắn độc cắn, người dân cần áp dụng biện pháp sơ cứu khẩn cấp như dùng dây garo trên vết cắn, rửa sạch vết thương, băng bó và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị đúng phác đồ.
Rắn lục đuôi đỏ có tên khoa học là Trimeresurus albolabris, cực độc trong họ rắn lục. Thân của chúng có màu xanh, đuôi màu nâu đỏ. Chiều dài khoảng 60-100 cm, cân nặng khoảng 300 gram. Thức ăn của chúng là chuột, chim, thằn lằn và ếch. Loài bò sát này thường cư ngụ vào ban đêm trên mặt đất và nghỉ ngơi trên cây vào ban ngày. Rắn lục đuôi đỏ sinh sống chủ yếu trên khu vực núi cao và trong các khu rừng sâu thuộc dãy Trường Sơn, vùng núi đá vôi ở khu vực Tây Bắc Việt Nam hay những nơi có độ cao dưới 400 m, đôi khi chúng cũng cư trú ở các khu vực thành thị. Đây là loài rắn duy nhất trong họ nhà rắn lục có thể đẻ con. Rắn mẹ lúc mang thai rất hung dữ và độc lực của nọc thời điểm này rất mạnh. Nọc của rắn lục đuôi đỏ chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa, cắn người dễ gây tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. |
Lê Hoàng