Ngày 19/4, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho biết tay phải bệnh nhân sưng nề, mu bàn tay hoại tử đen lan nhanh, các ngón tay căng cứng khó cử động. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, chỉ số bạch cầu tăng cao, viêm nhiễm toàn thân.
Bệnh nhân cho biết đã đắp thuốc nam lên vết rắn hổ mang cắn ở mu bàn tay phải, sau ba ngày thì bàn tay bắt đầu căng cứng. Bác sĩ truyền huyết thanh chống độc, cho bệnh nhân uống kháng sinh, điều trị với hy vọng giữ được ngón tay.

Bàn tay bệnh nhân bị hoại tử tím đen, khó cử động. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Mỗi loài rắn có độc tính khác nhau. Triệu chứng, tình trạng ngộ độc của nạn nhân phụ thuộc vào loài rắn, vị trí vết cắn. Cách điều trị hữu hiệu nhất là dùng huyết thanh kháng nọc độc rắn. Thời điểm sử dụng tốt nhất là 6 giờ đầu bị rắn cắn, chậm nhất trong 24 giờ.
Các bác sĩ khuyến cáo khi bị rắn độc cắn không nên tự ý đắp lá, dùng mẹo dân gian hay chích rạch vết thương. Xử lý sai cách có thể khiến nọc độc lan nhanh hơn, gây hoại tử mô, nhiễm trùng nặng, thậm chí dẫn tới tử vong hoặc phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng.
Khi bị rắn cắn, hãy bất động vết thương, cố định chi, tránh vận động, không băng garo quá chặt và đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.
Thùy An