Ngày 21/9, bác sĩ Nguyễn Thành Đô, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn cho biết bệnh nhân ở huyện Cao Lộc lập tức được lau rửa vết thương, điều trị theo phác đồ rắn lục cắn. Hiện sức khỏe người bệnh đã ổn định.
Rắn lục có nhiều nọc độc, nguy cơ gây ra các hiện tượng tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt cơ hô hấp. Bác sĩ nhận định hiện vào mùa mưa bão, lượng nước dâng cao làm mất đi môi trường sống tự nhiên của rắn, khiến chúng phải tìm đến các khu vực gần gũi với con người hơn như khu vườn, nhà ở hoặc các vùng đất đã bị ngập lụt. Bên cạnh đó, những đợt mưa lớn cũng có thể tạo ra môi trường ẩm ướt, lý tưởng cho sự phát triển của các loài côn trùng - nguồn thức ăn ưa thích của rắn. Do đó, nguy cơ con người bị rắn cắn, đặc biệt là các loại rắn độc cắn đang tăng cao trong mùa mưa bão.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo người dân dọn dẹp khu vực xung quanh nhà ở sạch sẽ, gọn gàng. Khi di chuyển qua các khu vực có khả năng xuất hiện rắn, như vườn, cánh đồng, hoặc khu vực chưa được kiểm tra cần cẩn thận, sử dụng đèn pin vào ban đêm. Khi làm việc ngoài trời hoặc ở vùng nguy cơ cao, nên mặc quần áo bảo hộ như ủng cao su và quần dài để giảm khả năng bị cắn.
Khi bị rắn cắn, cần cởi bỏ tư trang cá nhân ở vùng tổn thương để tránh nguy cơ chèn ép; áp dụng biện pháp băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng. Người bệnh nên nằm yên tĩnh, bất động chân, tay bằng nẹp, bởi vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Sau đó nên chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Thúy Quỳnh