Ngày 17/2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện tỉnh Cao Bằng cấp cứu trong tình trạng hôn mê, phải đặt nội khí quản và thở máy, sau đó chuyển gấp đến Thái Nguyên trong đêm. Bác sĩ chẩn đoán bà bị tiêu cơ vân cấp, suy thận cấp, vô niệu, tiên lượng nguy cơ tử vong cao.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, hồi phục cơ lực, suy thận thuyên giảm, được rút ống nội khí quản, có thể tự thở và đi lại.
Dựa trên hình ảnh gia đình cung cấp, bác sĩ xác định con rắn là rắn lục núi Ovophis, loài rắn độc gây tổn thương nặng cho thần kinh và thận. Chúng hoạt động về đêm, săn mồi các loài nhỏ và có khả năng ngụy trang tốt. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể tử vong do liệt cơ hô hấp hoặc hôn mê vĩnh viễn vì thiếu oxy não.

Rắn lục núi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Để đề phòng rắn cắn, bác sĩ khuyến cáo người dân cần biết về loại rắn trong vùng và khu vực chúng thường xuyên ẩn nấp để hạn chế qua lại. Khi đi rừng hoặc nơi có nhiều cây cỏ, người dân nên đi ủng, giày cao cổ và quần dài.
Khi bị rắn cắn, cần bình tĩnh, rửa sạch vết cắn để tránh nhiễm trùng, bất động chi bị rắn cắn, đặt chi thấp hơn so với tim và nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Không nên rạch da, nặn hút vết cắn hoặc đắp lá cây lên vết cắn vì làm tăng nguy cơ chảy máu, nhiễm trùng. Hạn chế buộc ga-rô phía trên vết cắn vì làm tăng nguy cơ hoại tử chi bị cắn. Cần ghi nhận đặc điểm con rắn hoặc nếu bắt được, đập chết con rắn nên mang theo đến viện để giúp bác sĩ xác định chính xác loại rắn cắn, quyết định điều trị huyết thanh kháng nọc rắn thích hợp.
Thúy Quỳnh