Những trận lụt ở tỉnh Irkutsk phía đông Siberia không chỉ khiến 25 người thiệt mạng mà còn kéo theo sự xuất hiện của rắn độc. Nhiều người dân sống gần bờ sông ở quận Chunsky của Irkutsk bắt gặp rắn lục độc trên mặt đất. Có thể điều kiện ẩm ướt sau trận lụt được cho là nặng nề nhất trong vòng 180 năm qua đã thu hút lũ rắn đến.
Nhà chức trách địa phương cảnh báo người dân đề phòng nguy cơ bị rắn độc cắn. "Chúng tôi chỉ có 5 liều huyết thanh kháng độc trong khu vực. Nếu bạn bị rắn cắn, hãy lập tức liên lạc với cơ sở y tế gần nhất", chính quyền quận cho biết.
Theo Moscow Times, có khoảng 50 loài rắn ở Nga, trong đó 11 loài sở hữu nọc độc có thể gây nguy hiểm cho con người như rắn Vipera berus và rắn Gloydius halys đều thuộc họ rắn lục (Viperidae) có nọc độc. Rắn Vipera berus sinh sống khắp khu vực rộng lớn trải dài từ Tây Âu đến Đông Á, thường dài 60 cm. Vết cắn của loài rắn này khá đau nhưng độc tính thấp, ít gây ra vấn đề nghiêm trọng cho con người.
Rắn Gloydius halys phân bố ở Nga, Trung Quốc, Afghanistan, Iran và Mongolia. Chúng có màu nâu hoặc xám tùy theo nơi sinh sống. Cơ quan cảm thụ nhiệt nằm giữa mắt và lỗ mũi ở cả hai bên đầu giúp chúng đi săn và duy trì nhiệt độ cơ thể.
An Khang (Theo Newsweek)