Du khách 70 tuổi Piet Blignaut chứng kiến màn săn mồi của đôi chim hồng hoàng đất ở vườn quốc gia Kruger, Nam Phi, Latest Sightings hôm 29/6 đưa tin. Ban đầu, chúng đi dọc đường và mò mẫm kiếm ăn dưới nền đất. Sau đó, chim hồng hoàng đột nhiên xao động và nhìn chằm chằm vào vật gì đó ở xa. Khi đoàn của Blignaut tiến lại gần, họ phát hiện hai con rắn phì độc đang ghép đôi, bất chấp nguy hiểm đang tới gần.
Rắn phì nổi tiếng với tốc độ cắn bằng 1/4 giây và nọc độc gây hoại tử mô cực đau đớn. Rắn phì chuyên nằm bất động nhiều tháng để rình mồi nên có biệt danh là "cỗ quan tài sống". Giống như nhiều loài rắn khác, chúng ghép đôi bằng cách tìm bạn tình. Rắn đực giải phóng mùi đặc biệt để thu hút con cái. Khi rắn cái sẵn sàng giao phối, chúng sẽ cùng thực hiện vũ điệu vặn xoắn cơ thể và ngoe nguẩy lưỡi.
Chim hồng hoàng đất đực tính toán nhằm tấn công chính xác. Mắt nó tập trung vào đôi rắn độc. Nó tập trung hết tốc lực lao vào con rắn phì đầu tiên. Do mất cảnh giác, con rắn chết trên nền đất dưới đòn tấn công liên tiếp của chim hồng hoàng. Chim cái và con non cũng mau chóng nhập cuộc. Chúng nhắm vào con rắn còn lại và cũng giết nó thành công. Nhưng gia đình chim hồng hoàng không dừng lại ở đó. Chúng vẫn mổ và giẫm lên xác rắn để đảm bảo con mồi không còn cử động rồi mới bắt đầu ăn.
Chim hồng hoàng đất là một trong những loài chim độc đáo nhất châu Phi. Là loài chim hợp tác chăm con lớn nhất thế giới, chim trưởng thành cao một mét, có chiếc mỏ cong dài và da mặt màu đỏ tươi khiến chúng rất nổi bật khi sải bước trên đồng cỏ để tìm kiếm thằn lằn, rắn, động vật có vú nhỏ và loài chim khác. Chim hồng hoàng thường làm tổ trên cây cao, nhưng tình trạng mất môi trường sống khiến phạm vi sinh sống của chúng giảm chỉ còn 10 - 30%. Kết quả là số lượng loài này cũng sụt giảm đáng kể.
An Khang (Theo Latest Sightings)