Ngư dân Sarat Kumar Pradhan bị sốc khi phát hiện hai con rắn mắc kẹt trong lưới khi đi thu hoạch cá từ ao nước gần nhà ở ngoại ô thành phố Bhubaneswar, bang Odisha hôm 25/11. Một trong hai con rắn là loài cạp nong nguy hiểm, còn lại là rắn sãi checkered keelback không có nọc độc.
Sau khi nhận được cuộc gọi từ Pradhan, Arun Baral, tình nguyện viên của tổ chức cứu hộ Snake Helpline tới dùng kéo cắt lưới để giải thoát lũ rắn. Baral cũng nhận thấy trong lưới có 11 con cua và 3 con cá.
"Rắn sãi có thể mắc kẹt khi tìm cách trộm cá trong lưới. Sau đó, rắn cạp nong mắc kẹt theo trong lúc mò tới ăn thịt rắn sãi. Đây là một chuỗi thức ăn", Subhendu Mallik, sáng lập viên của tổ chức Snake Helpline, giải thích.
Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus) là loài dài nhất trong chi cạp nia, sinh sống ở Ấn Độ, miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á. Chúng sống đơn độc, hoạt động vào ban đêm và di chuyển chậm chạp. Cạp nong không chủ động đuổi mồi mà thường chờ con mồi bò qua. Thức ăn của chúng là các loài rắn khác, cá, ếch, trứng rắn. Nọc độc của loài rắn này chứa độc tố thần kinh, gây nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy và chóng mặt.
An Khang (Theo Newsflare)