Tuần qua, Samsung trình làng Galaxy S20 với tùy chọn dung lượng RAM 12 GB. Trong khi đó, laptop Windows 10 phổ thông chỉ trang bị RAM 8 GB mà vẫn thực hiện nhiều tác vụ phức tạp hơn so với smartphone.
Theo Tech Radar, việc công ty Hàn Quốc trang bị cho dòng flagship mới nhiều RAM hơn laptop không chỉ vô nghĩa, mà còn khiến người dùng phải chi thêm tiền cho tính năng không thiết thực.
Nền tảng hệ điều hành là một trong những nguyên nhân laptop luôn cần nhiều RAM hơn smartphone. Ví dụ, laptop Windows 10 nên có RAM 8 GB trở lên để vận hành trơn tru các tác vụ tốn nhiều tài nguyên như Adobe Photoshop/Lightroom. Còn các hệ điều hành tối ưu cho thiết bị cấu hình thấp như Linux hay Chrome OS không cần nhiều RAM đến thế. Đó là lý do tại sao máy Chromebook vẫn hoạt động tốt với dung lượng RAM vỏn vẹn 2 GB hoặc 4 GB.
Ngược lại, hầu hết ứng dụng dành cho Galaxy S20 được thiết kế để tương thích với thiết bị Android có dung lượng RAM hạn chế. Người dùng không thực sự cần RAM 12 GB, trừ khi quay video 8K – một tính năng tuyệt vời nhưng không được sử dụng rộng rãi.
Các chuyên gia cho rằng tùy chọn dung lượng RAM tới 12 GB trên Galaxy S20 là chiến lược để Samsung tạo ra sự khác biệt trước các đối thủ cùng phân khúc. Qua đó, công ty hy vọng sẽ thuyết phục người dùng rằng Galaxy S20 tốt hơn iPhone vì có nhiều RAM hơn.
Chiến lược này có thể giúp Samsung bù đắp thiết kế đã trở nên nhàm chán của smartphone từ vài năm qua. Thực tế, công ty Hàn Quốc đã giới thiệu hai mẫu smartphone gập, nhưng cả Galaxy Fold và Galaxy Z Flip đều có mức giá cao.
Trong bối cảnh cạn kiệt ý tưởng, Samsung, cũng như các hãng smartphone khác, muốn kích thích nhu cầu nâng cấp thiết bị mới bằng cách cải thiện thông số kỹ thuật. Với dung lượng RAM "khủng", Samsung hy vọng người dùng sẽ nhìn vào chiếc smartphone cũ kỹ với dung lượng RAM thấp và nghĩ rằng: Tôi cần Galaxy S20 để chơi Pokemon Go mượt hơn hay mở WhatsApp nhanh hơn.
Tuy nhiên, Galaxy S20 với dung lượng RAM lớn là dòng flagship đắt nhất của Samsung cho đến nay. Bản Galaxy S20 có giá từ 999 USD, cao hơn 100 USD so với giá khởi điểm của Galaxy S10 ra năm ngoái, theo các chuyên gia, một phần là do RAM.
RAM một trong những linh kiện quan trọng trên smartphone bên cạnh vi xử lý (CPU) và bộ xử lý đồ họa (GPU). RAM được coi như thiết bị trung gian giữa các phần cứng khác với nhiệm vụ cung cấp thông tin cần thiết càng nhanh càng tốt. Khi ứng dụng hoạt động, thông tin mà nó tạo ra lưu trữ trên RAM để các thành phần khác như CPU, GPU xử lý. Bộ nhớ RAM lớn sẽ chứa được nhiều dữ liệu của các ứng dụng chạy song song, giúp smartphone chạy đa nhiệm mượt mà hơn.
Việc các hãng smartphone tiếp tục chạy đua về dung lượng RAM hay cấu hình không chỉ làm tăng giá smartphone, mà còn làm cho hệ điều hành và ứng dụng di động trở nên cồng kềnh.
Khi phần lớn smartphone có RAM 12 GB, các nhà phát triển sẽ tìm cách để khai thác sức mạnh phần cứng, đem đến cho người dùng những tính năng mới lạ và trò chơi với đồ họa ấn tượng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hệ sinh thái phần mềm smartphone có thể mất đi tính di động vốn có.
Việt Anh (theo Tech Radar)