Khi ông còn là cầu thủ, sự nghiệp của Rajagopal có phần khiêm tốn. Ông đá tiền đạo và chỉ gắn bó với đội PKNS ở giải vô địch bán chuyên Malaysia trong 11 năm (từ 1978 đến 1989). Rajagopal cũng có 20 trận khoác áo tuyển Malaysia giai đoạn 1980 và 1983, nhưng chẳng để lại nhiều ấn tượng. Một năm sau khi giải nghệ ở tuổi 33, ông nhận lời làm HLV trưởng đội bóng cũ và dẫn dắt CLB này giai đoạn 1990-1998. Trong ba năm tiếp theo, Rajagopal phiêu bạt lần lượt qua Selangor rồi Kelatan, đều ở các đội trẻ.
![]() |
Đa số tuyển thủ Malaysia hiện tại là những học trò được chính Rajagopal phát hiện và đào tạo ở các cấp đội trẻ hơn. Ảnh: An Nhơn. |
Chính thời gian làm việc với bóng đá trẻ này đã trở thành bước ngoặt lớn nhất cho sự nghiệp cầm quân về sau của Rajagopal. Trải nghiệm và những hứng thú khi tiếp xúc, uốn nắn các các nầm mon bóng đá khiến ông nhận lời ngay tắp lự khi được LĐBĐ Malaysia (FAM) mời làm HLV trưởng các đội U20 (2004-2006) rồi U19 (2007-2009). Dưới sự dẫn dắt của HLV có vóc người khắc khổ này, đội U19 Malaysia gây tiếng vang lớn khi vô địch giải Ngoại hạng Malaysia năm 2009.
Khi cả đội U23 lẫn tuyển Malaysia dưới quyền HLV trưởng Sanianathan thất bại toàn diện ở SEA Games 2007 rồi AFF Cup 2008, FAM đã nghĩ về một cuộc cách mạng theo hướng trẻ hóa và nhắm Rajagopal cho chiếc ghế nóng ở cả hai đội tuyển, mà trước mắt là SEA Games 25 ở Lào. Đến tháng 7/2009, tức hơn bốn tháng trước SEA Games 25, FAM cụ thể hóa dự định của họ bằng quyết định bổ nhiệm Rajagopal vào trọng trách giúp bóng đá Malaysia giải cơn khát HC vàng bóng đá nam ở đấu trường khu vực.
Quỹ thời gian chuẩn bị quá ngắn, nhưng nhờ hiểu biết về học trò ở các đội U20 và U19 trước đó cộng thêm sự ủng hộ tuyệt đối từ FAM, Rajagopal mạnh dạn trẻ hóa với hàng loạt gương mặt mới 21, 22 tuổi được triệu tập vào danh sách chuẩn bị cho SEA Games. Sức trẻ của đội ngũ ấy, sự thấu hiểu cùng nguyên tắc làm việc đơn giản gói gọn trong cụm từ “lao động cật lực” của Rajagopal đã hun đúc nên niềm tin, khất vọng chiến thắng trong các học trò. Nhờ đó, họ sớm vượt qua cú sốc thua U23 Việt Nam 1-3 ở lượt hai, để rồi thẳng tiến vào bán kết sau trận thắng 2-1 gây sốc trước Thái Lan, đội đoạt HC vàng ở tám kỳ SEA Games liên tiếp trước đó.
Tuy nhiên, bản lĩnh và tài cầm quân của Rajagopal chỉ thật sự được đánh giá cao khi ông cùng U23 Malaysia tái ngộ U23 Việt Nam ở chung kết, sau khi vượt qua chủ nhà Lào ở bán kết (thắng 3-1). Đó là trận đấu mà triết lý bóng đá của HLV này được phát huy một trách triệt để và hiệu quả nhất. U23 Malaysia vào cuộc với tâm thế đội chiếu dưới và chọn phòng ngự phản công làm kim chỉ nam. Dù chiến thắng cho U23 Malaysia khi đó chỉ được quyết định bởi tình huống phản lưới nhà của Mai Xuân Hợp, giới chuyên môn đều thừa nhận đây là trận đấu hay nhất của thầy trò Rajagopal tại giải.
![]() |
Rajagopal (trái) thành công với triết lý đơn giản dựa trên sự khiêm tốn, chia sẻ và lao động cật lực. Ảnh: Minh Kha. |
Cuộc cách mạng trẻ hóa tiếp tục được Rajagopal đẩy mạnh khi dẫn dắt tuyển Malaysia dự AFF Cup 2010. Trong số 22 tuyển thủ dự giải, ông điền tên tới 15 học trò ở độ tuổi U23 được đôn lên từ đội hình chiến thắng ở SEA Games 2009 và phần lớn số này đều có suất đá chính, bên cạnh vài trụ cột như trung vệ Roslan, tiền vệ Mohd Amri, tiền đạo Mohd Safee.
Malaysia vào cuộc với khí thế cao, nhưng sức trẻ luôn đi kèm với sự thiếu kinh nghiệm. Thầy trò Rajagopal sớm nhận cú sốc khi thua đậm 1-5 trước chủ nhà Indonesia ngay trận ra quân. Tuy nhiên, bằng tài năng, tâm huyết và khả năng tâm lý sư phạm tài ba, Rajagopal đã xốc dậy tinh thần các học trò để họ chẳng những tránh được nguy cơ sụp đổ về tâm lý, mà còn chơi như lên đồng ở các trận tiếp theo để giành quyền đi tiếp với ngôi nhì bảng.
Vào bán kết, Rajagopal một lần nữa gặp lại đối thủ Calisto, HLV người Bồ Đào Nha của tuyển Việt Nam. Và cũng như lần chạm trán cách đó một năm, Rajagopal lại là người chiến thắng và vẫn bằng chiến thuật quen thuộc - phòng ngự phản công. Trận thắng 2-0 trên sân nhà ở lượt đi đã mở toang cánh cửa vào bán kết cho tuyển Malaysia trước khi họ bảo vệ vững chắc thành quả bằng trận hòa 0-0 oanh liệt trên sân Mỹ Đình ở lượt về.
Vào chung kết, lối chơi mà Rajagopal tạo dựng cho các học trò và kiên định áp dụng một lần nữa cho trái ngọt. Các tuyển thủ Malaysia cầm bóng tốt hơn, phòng ngự chủ động chặt chẽ và phản công sắc lẹm. Cú đúp của Mohd Safee cùng một bàn khác của Mohd Ashaari trong trận thắng 3-0 trên sân nhà Kuala Lumpur là kết quả mỹ mãn của cách tiếp cận hợp lý đó và đảm bảo cho tuyển Malaysia lần đầu tiên vô địch Đông Nam Á, bất chấp trận thua 1-2 trên sân Jarkarta ở lượt về.
![]() |
Rajagopal là hình mẫu thành công từ việc Malaysia trọng dụng HLV trong nước. Ảnh: Minh Kha. |
Tài năng Rajagopal là điều không ai phủ nhận, nhưng thành công của ông không phải ngẫu nhiên mà có. FAM, với tư cách cơ quan quyền lực bóng đá cao nhất của Malaysia, cũng góp một phần quan trọng vào thành công của nhà cầm quân 55 tuổi. Trước khi tin tưởng đặt trọng trách vào tay Rajagopal, FAM đã kiên định với đường lối trọng dụng các nhà cầm quân nội bất chấp điều đó khiến bóng đá Malaysia tụt hậu một bước so với các đối thủ cùng khu vực. Nozian Bakar rồi Sathianathan - hai vị tiền nhiệm của Rajagopal - đều phải ra đi trong quá trình sàng lọc khắc nghiệt này.
Đường lối tin dùng "hàng nội" đó tiếp tục được phát huy và cho trái ngọt ở SEA Games 26 vừa qua. Ong Kim Swee, HLV nội cũng có xuất phát điểm giống Rajagopal được chọn để tiếp nối, dẫn dắt đội U23 Malaysia dự giải đấu ở Indonesia và tiếp nối thành công vị tiền nhiệm khi cùng các học trò bảo vệ thành công chiếc HC vàng bóng đá nam.
Phương Minh