Hôm 16/4, chị Nguyễn Thị Hằng, trú quận Nam Từ Liêm, đến một trường tư thục ở quận Cầu Giấy để nhập học cho con. Ngoài giấy tờ cần thiết, chị Hằng phải ký cam kết đóng đủ các khoản phí theo thông báo tuyển sinh lớp 6 của trường.
Các khoản phí bao gồm: lệ phí tuyển sinh và duyệt hồ sơ 11 triệu đồng, học phí tháng đầu tiên 3,5 triệu cùng tiền đồng phục mùa hè, mùa đông và tiền vở, tất cả hơn 16 triệu đồng. Trường thông báo, phụ huynh sẽ mất khoản 11 triệu trong trường hợp không nộp học bạ gốc sau thời gian quy định hoặc rút hồ sơ sang trường khác. Những em vẫn theo học, khoản này được chuyển thành phí phát triển trường trong bốn năm.
Năm học 2022-2023, Hà Nội có khoảng 151.000 học sinh dự tuyển lớp 6. Các đợt xét tuyển trực tuyến hoặc trực tiếp vào các trường công lập diễn ra khoảng tháng 7. Nhưng từ đầu tháng 2, cuộc đua vào các trường top đầu đã khởi động. Với mong muốn chắc suất học ở một trong những ngôi trường họ cho là tốt nhất thành phố, các gia đình thường đăng ký cho con thi 3-5 trường. Nhằm giữ chân học sinh, nhiều trường tổ chức thi và thông báo trúng tuyển sớm, kèm theo yêu cầu nhập học, trong đó có việc nộp giấy tờ và các khoản phí.
Ngoài ngôi trường đầu tiên vừa trúng tuyển, con gái chị Hằng sẽ còn thi thêm trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, THCS Nam Từ Liêm cùng trường THCS Ngoại ngữ. Không biết chắc con có thể đậu các trường khác hay không, chị Hằng chấp nhận khả năng mất 11 triệu đồng lệ phí tuyển sinh để yên tâm có chỗ cho con trong trường hợp trượt ba trường còn lại.
"Tôi buộc phải nộp dù thấy nó rất cao, gần bằng cả tháng lương của tôi", chị nói.
"Lệ phí tuyển sinh và duyệt hồ sơ" mà trường vừa thu của chị Hằng bản chất là một loại "phí giữ chỗ" hay "đặt cọc", được nhiều trường tư thục, quốc tế tại Hà Nội áp dụng, nhằm hạn chế học sinh rút hồ sơ, giảm tỷ lệ hồ sơ ảo. Với các trường tư thục, phí này dao động từ hai triệu đến khoảng 20 triệu. Với các trường quốc tế, khoản này thậm chí cao hơn, lên khoảng 35 triệu đồng.
Để tránh khái niệm "phí giữ chỗ" hoặc "đặt cọc" vốn không có trong Luật Giáo dục và các quy định liên quan, nhiều trường gọi đây là "lệ phí tuyển sinh" - một loại phí hợp lệ. Tuy nhiên, không trường nào giải thích rõ, vì sao "lệ phí tuyển sinh và duyệt hồ sơ" lại lên tới hơn 10 triệu đồng mỗi em.
Dù vậy, giống như chị Hằng, chị Đặng Thị Dinh, trú quận Thanh Xuân, cũng chấp nhận nộp phí cho con ngay khi nhận được thông báo trúng tuyển từ một trường THCS tư thục.
Theo chị, các gia đình thường có nhiều hơn một phương án và việc nhập học, đóng phí tuyển sinh, duyệt hồ sơ là "bình thường". Chị phải nộp vì thời hạn nhập học của trường này kết thúc trước khi hai trường khác có kết quả. Dù có thể mất không cả chục triệu đồng, chị Dinh cho rằng quan trọng là "thuận mua vừa bán" giữa nhà trường và phụ huynh.
Có kinh nghiệm nộp hồ sơ cho con vào các trường tư thục, chị Kiều Mai Anh ở quận Hoàng Mai cho rằng trường đã thông báo ngay từ đầu về các khoản có thể bị mất nếu không theo học. Vì vậy, phụ huynh cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ.
"Tôi thấy các trường có lý của họ. Phụ huynh muốn chắc chắn một trường cho con thì phải chấp nhận mất tiền cọc nếu sau đó học trường khác", chị Mai Anh chia sẻ. Chị từng phải đặt cọc gần 20 triệu đồng sau khi con trúng tuyển một trường phổ thông liên cấp ở Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm. Nhiều phụ huynh khác thậm chí mất cọc 2-3 lần, tốn tới 30-40 triệu đồng vì con đỗ nhiều trường, nhưng đến trường cuối cùng mới ưng ý.
Cách hiểu của chị Dinh và chị Mai Anh cũng là thông điệp mà các trường thường sử dụng để truyền thông đến phụ huynh. Họ muốn phụ huynh coi đây là một loại thỏa thuận dân sự, dựa trên cơ sở tự nguyện của hai bên. Trường ra quy định nhưng không ép buộc, phụ huynh được cung cấp thông tin và tự do lựa chọn. Nhưng thực tế, trường luôn lựa chọn thời điểm nhập học khi thí sinh chưa có kết quả các trường khác, khiến nhiều phụ huynh rơi vào tình thế bắt buộc phải chấp nhận.
Trong khi nhiều phụ huynh chấp nhận "phí giữ chỗ", một số người nhận thấy khoản phí này là vô lý.
Đi nhập học cho con trai lớp 6 tại một trường tư thục ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy hôm 16/4, chị Vũ Mai Linh mất 30 phút buổi sáng lấy số thứ tự rồi phải chờ đến chiều mới đến lượt gọi vào làm thủ tục. Nhưng khi chuẩn bị đóng tiền, chị bỏ về.
Chị không hài lòng với cách tổ chức thu nhận hồ sơ lộn xộn, mất thời gian của trường. Và điều gây bức xúc nhất là khoản "lệ phí tuyển sinh và duyệt hồ sơ" 11 triệu đồng. "Khoản đó không biết gồm những gì mà những 11 triệu và còn mất trắng nếu con không học", chị Linh nói.
Hiện, con chị còn phương án nộp vào THCS Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành và Ngoại ngữ. "Trong trường hợp không đỗ, tôi cho con học trường công lập bình thường", chị Linh cho hay.
Phụ huynh này cho rằng các trường không nên cạnh tranh, giành học sinh bằng cách đặt ra các quy định vô lối, đánh vào túi tiền phụ huynh. "Nên cạnh tranh bằng chất lượng giáo dục. Trường thực sự tốt thì phụ huynh, học sinh sẽ tìm đến", chị Linh nói.
Dương Tâm - Minh Phương