Thứ tư, 20/12/2017, 19:00 (GMT+7)

Raf Simons - từ tuổi thơ nghèo khó đến 'vua' thiết kế 2017

Ẵm loạt giải thưởng quan trọng, giám đốc sáng tạo của Calvin Klein là nhà thiết kế thời trang có tầm ảnh hưởng nhất năm qua. 

Báo chí quốc tế gọi "2017 là năm của Raf Simons". Chưa đầy một năm dẫn dắt Calvin Klein, ông làm nên lịch sử khi giành cú đúp "Nhà thiết kế thời trang nam của năm" và "Nhà thiết kế thời trang nữ của năm" tại CFDA 2017 - giải thưởng thường niên uy tín bậc nhất nhằm tôn vinh những nhân vật có cống hiến cho nền công nghiệp thời trang Mỹ. Trong lịch sử của giải thưởng CFDA (Council of Fashion Designers of America - Hội đồng các Nhà thiết kế Thời trang Mỹ), chỉ mới có sáu nhà thiết kế hai lần đoạt giải là những tên tuổi lớn như Donna Karan, Ralph Lauren, Michael Kors, Marc Jacobs, Tom Ford và Calvin Klein. Người duy nhất trước Raf Simons đạt được giải thưởng ở cả thời trang nam và nữ trong cùng một năm là Calvin Klein, cách đây đã 14 năm.

Không chỉ vậy, đầu tháng 12, Raf Simons tiếp tục được vinh danh là "Nhà thiết kế của năm" tại lễ trao giải British Fashion Awards của Hiệp hội Thời trang Anh, đánh dấu một năm gặt hái nhiều thành tựu nghệ thuật của nhà thiết kế người Bỉ.

Raf Simons nhận nhiều giải thưởng quan trọng năm 2017

Raf Simons nhận giải thưởng Nhà thiết kế của năm 2017
 
 

Raf Simons sinh ngày 12/1/1968 tại ngôi làng nhỏ ở Neerpelt, Bỉ trong một gia đình nghèo và không hề có gốc gác nghệ thuật. Cha ông làm bảo vệ gác đêm, còn mẹ là người giúp việc. Ngôi làng của ông thời ấy không có rạp chiếu phim, bảo tàng, phòng trưng bày, thậm chí là một cửa hàng bán quần áo. Khi lên trung học, ông đã sớm nhận thấy mối liên kết mạnh mẽ với nghệ thuật. Nhưng cuộc sống nghèo khó và thiếu thốn đã trở thành một rào cản lớn. Tiền của trong nhà chỉ đủ trả tiền học cơ bản hàng tháng cho Raf Simons. Trong những năm tuổi trẻ, Raf tốt nghiệp Học viện Truyền thông Trực quan tại Genk (Bỉ) và khởi nghiệp bằng nghề thiết kế nội thất.

Trong giai đoạn 1989 - 1993, cơ duyên đã đưa đẩy Raf Simons thực tập ở studio của nhà thiết kế nổi tiếng người Bỉ - Walter Van Beirendonck. Tại đây, nguồn cảm hứng thời trang trong chàng trai trẻ được khuấy động sau khi Van Beirendonck đưa ông đi xem buổi trình diễn của Martin Margiela trong Tuần lễ Thời trang Paris năm 1989. Đó cũng là lần đầu tiên Raf được xem một show thời trang chuyên nghiệp và ngay lập tức si mê nó. 

Show diễn của Martin Margiela Xuân 1990 đã đánh thức niềm đam mê thời trang trong Raf Simons. Ảnh: BOF.

Kể về ngày hôm đó trên tờ The Gentlewoman, Raf xúc động: "Khi còn là sinh viên, tôi luôn nghĩ thời trang là một thứ gì đó rất hời hợt, lôi cuốn và mê hoặc. Nhưng show diễn này đã thay đổi mọi thứ trong tôi. Tôi bước ra khỏi đó và nghĩ đấy chính là những thứ mà tôi sẽ làm. Đó là lý do tôi trở thành nhà thiết kế thời trang".

Dù bắt đầu muộn hơn nhiều người, được sự động viên của Linda Loppa - trưởng khoa Thời trang thuộc Học viện Hoàng gia Antwerp, một trong những viện hàn lâm nghệ thuật lâu đời nhất châu Âu, chàng trai trẻ Raf Simons đã tự mày mò nghiên cứu. Raf thiết kế bộ sưu tập thời trang nam đầu tiên mang tên mình vào năm 1995. Joan Juliet Buck - tổng biên tập tạp chí Vogue Pháp lúc bấy giờ - nhận định: "Khi cậu ấy dẫn đầu, mọi người đều phải theo sau". 

Đến năm 2000, Raf trở thành giảng viên ngành thời trang tại Đại học Nghệ thuật Ứng dụng ở Vienna, Áo. Ba năm sau, vào năm 2003, ông có được thành tựu đầu tiên là giải Textiles Award của Thụy Sĩ. Rất nhanh chóng, chỉ sau hai năm, khi đã tích lũy được vốn kinh nghiệm vừa đủ, ông chuyển hướng sang mảng thời trang phổ thông và ra mắt nhãn hiệu Raf by Raf Simons vào năm 2005.

Chỉ một tháng sau khi ra mắt thương hiệu riêng, nhà thiết kế người Bỉ đã được mời làm giám đốc sáng tạo cho thương hiệu Jil Sander thuộc tập đoàn Prada. Raf chưa có kinh nghiệm trong mảng thời trang nữ nhưng bộ sưu tập đầu tiên của ông ra mắt năm 2006 đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Họ miêu tả nó như "một làn gió lạ" mà Raf đã thổi vào làng mốt. Trong khoảng thời gian 2005 - 2012, ông đã góp công đem đến nhiều màu sắc và vẻ lãng mạn cho thương hiệu thời trang này trong khi vẫn giữ được sự tối giản vốn có. Năm 2010 đánh dấu một bước tiến lớn trong sự nghiệp của Raf Simons khi nhà thiết kế giới thiệu ba bộ sưu tập thời trang dòng haute couture đầu tiên.

Bộ sưu tập đầu tiên dòng couture Thu Đông 2012 của Raf dành cho Dior

Dior couture Thu Đông 2012
 
 

Đỉnh cao trong sự nghiệp thiết kế thời trang của Raf Simons là vào năm 2012 khi ông được mời làm giám đốc sáng tạo cho nhà mốt danh tiếng Christian Dior, sau khi nhà thiết kế lắm tài nhiều tật John Galliano bị sa thải. Bất chấp những nghi ngại trong giới chuyên môn về sự đối lập trong phong cách thời trang phóng khoáng của người sáng lập Christian Dior với gu tối giản của Raf Simons, bộ sưu tập ra mắt vào mùa Thu Đông 2012 đã làm sống lại biểu tượng New Look kinh điển của Dior thập niên 1940. Đưa ra thế giới hình ảnh người phụ nữ mới, Raf được tán dương là người hùng của Dior. Vogue bình luận: "Thật thú vị khi được chứng kiến cách anh ấy thổi hồn vào những ý tưởng cũ".

Những thiết kế tươi trẻ, tràn ngập chất họa và thơ nhưng vẫn đầy tính ứng dụng trong thời của Raf đã khiến cho nhiều ngôi sao như Jennifer Lawrence, Marion Cotillard, Chalize Theron hay Emma Watson… trở thành kẻ mộ điệu trung thành của Dior. Sau ba năm rưỡi làm giám đốc sáng tạo, tầm nhìn và định hướng sáng tạo của Raf giúp doanh số dòng ứng dụng của Dior tăng lên 60%, dòng haute couture tăng 18%.

Mỹ nhân Hollywood tỏa sáng trong thiết kế của Raf Simons

Ở Oscar 2013, Jennifer Lawrence diện một mẫu váy haute couture của Raf Simons. Thiết kế được xếp vào một trong những bộ đầm nổi tiếng và đắt giá nhất mọi thời đại.
Từ trái qua: Emma Watson, Marion Cotillard, Lupita Nyong'o và Natalie Portman.

Ngay lúc trên đỉnh vinh quang, Raf Simons lại khiến người hâm mộ sửng sốt khi bất ngờ tuyên bố rời bỏ nhà mốt kỳ cựu của Paris vì lý do cá nhân vào cuối năm 2015, kết thúc một mối lương duyên ngắn ngủi nhưng đầy dấu ấn và di sản. Có nguồn tin cho rằng, lý do thực sự khiến nhà thiết kế người Bỉ dứt áo ra đi một phần bởi vì ông vẫn chưa được quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hình ảnh thương hiệu, điển hình như việc thiết kế lại nội thất của các cửa hàng flagship của Dior.

Đến tháng 8/2016, đế chế lẫy lừng Calvin Klein vui mừng thông báo thương hiệu đã nhận được cái gật đầu của Raf để trở thành giám đốc sáng tạo toàn cầu. Nhà thiết kế người Bỉ sẽ nắm trong tay tất cả quyền lực hợp nhất thay cho bốn nhà thiết kế như trước đây, từ dòng sản phẩm thời trang nam - nữ cho đến nước hoa, các sản phẩm gia đình, quyền quyết định cho các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị và truyền thông của thương hiệu.

Khác với Dior lãng mạn và cổ điển theo phong cách châu Âu, Calvin Klein lại mang tinh thần trẻ trung, hoang dại của nước Mỹ. Đó là một thách thức trong yêu cầu thiết kế đối với vị giám đốc sáng tạo mới. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy định hướng hoàn toàn mới của nhà mốt Mỹ với một tương lai hứa hẹn gặt hái nhiều thành công. Những lãnh đạo của Calvin Klein kỳ vọng các thiết kế theo chủ nghĩa tối giản và mang đậm hơi thở văn hóa đương đại của Raf Simons sẽ đưa Calvin Klein trở về thời kỳ hoàng kim của mình.

Bộ sưu tập đầu tiên của Raf Simons dành cho Calvin Klein

Thiết kế đầu tiên của Raf Simons dành cho Calvin Klein
 
 

Về đầu quân cho Calvin Klein giống như cá gặp nước, Raf Simons tiếp tục gặt hái những thành tựu đáng kể ngay từ khi chào sân đầu năm nay. Nhà thiết kế Diane von Furstenberg đã không ngại ngần bày tỏ cảm tưởng sau show diễn đầu tiên của Calvin Klein dưới thời Raf Simons: "Tôi yêu những gì anh ấy làm cho Dior nhưng tôi nghĩ sự kết đôi của anh ấy với Calvin còn tuyệt hơn nữa". Đó là một bộ sưu tập hòa trộn tuyệt hảo giữa thời trang nam - nữ, giữa chủ nghĩa cá nhân tối giản của Raf và tinh thần cách tân Mỹ của Calvin. Nhà thiết kế Tommy Hilfiger nhận xét: "Tôi cho rằng Raf đã thấu hiểu khách hàng cũng như giới thời trang cùng một lúc". Tạp chí New York Times hết lời khen ngợi: "Show diễn được mong đợi nhất trong thập kỷ qua đã thành công rực rỡ". Tờ Washington Post dùng từ ngữ nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần tán dương: "Calvin Klein đã tái sinh".

Ở tuổi 49, Raf được miêu tả với vóc dáng mảnh khảnh và mực thước, mái tóc nâu cắt kiểu xưa cũ, đôi mắt xanh cobalt luôn nhìn người đối diện với vẻ chân thành và vững tin. Theo Vogue, con người mang dáng dấp cổ điển ấy không chỉ thiết kế nên những bộ sưu tập nam lịch lãm và nam tính mà còn gây ấn tượng với những thiết kế nữ tối giản và trẻ trung, pha lẫn chút nổi loạn và hip hop.

Giờ đây, khi làm chủ thương hiệu riêng mang tên mình, nắm trong tay đế chế Calvin Klein, người ta thắc mắc Raf Simons đã thỏa mãn chưa hay sẽ tiếp tục mơ mộng về một di sản thời trang lớn hơn nữa. Với xuất thân bình dị, Raf Simons đã chọn cho mình một cuộc sống giản dị, không nổi tiếng nhờ tai tiếng, tất cả chỉ tập trung vào đam mê.

Ông tự miêu tả đam mê ấy bằng câu nói: "Có người hỏi nếu tôi không thở bằng không khí thì sẽ thở bằng gì, thì đó là nghệ thuật. Sự thỏa mãn lớn nhất đối với một nhà thiết kế là nhìn thấy ai đó trong trang phục của mình. Tôi không phải là kẻ mơ mộng về quá khứ. Cái gì đã qua thì cho qua. Tôi ôm mộng về tương lai. Tôi sẽ phát điên nếu không được làm điều mình muốn. Ý tưởng, nó cần được giải thoát theo một cách nào đó".

Sao Mai