![]() |
Hồ chứa nước thải của các cơ sở sản xuất ngày càng thu hẹp lại. |
Theo Sở KHCN&MT Tây Ninh, hiện tỉnh có khoảng 20 cơ sở sản xuất tinh bột sắn và 2 nhà máy đường lớn đang hoạt động xả nước thải xuống rạch Tây Ninh gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Chị Hiền, một cư dân sống gần đấy, cho biết: "Các lò sản xuất này gây ô nhiễm 2-3 năm nay, bà con đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết". Do nước thải từ các cơ sở sản xuất tràn lan, nên hầu hết các giếng nước sinh hoạt của các hộ xung quanh đều không sử dụng được. Muốn có nước sạch, người dân phải khoan giếng sâu từ 45 m trở lên. Nhiều vườn cây, hoa màu, điển hình là ruộng ngô của anh Bạc đã bị chết rụi.
Anh Trần Khắc Phục, cán bộ Phòng Quản lý môi trường, Sở KHCN&MT tỉnh, cho biết: "Tình trạng ô nhiễm trên không chỉ ảnh hưởng ở khu vực địa phương mà rạch Tây Ninh cũng bị ô nhiễm nặng. Phần lớn những cơ sở sản xuất này đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, chủ yếu nước thải được đưa ra các cống và chảy trực tiếp ra rạch".
Tại gần 10 cơ sở sản xuất tinh bột sắn của xã Ninh Sơn và Ninh Thạnh thuộc huyện Hoà Thành cũng không kém phần ô nhiễm. Những hồ chứa nước thải dường như không đủ công suất để nước tràn ra ngoài. Riêng 2 nhà máy đường: Nhà máy đường thô Biên Hoà - Tây Ninh và Nhà máy đường Bourbon, mặc dù đã có hệ thống xử lý nước thải, nhưng qua khảo sát, kiểm tra của Sở KHCN&MT thì một số chỉ tiêu về ô nhiễm môi trường vẫn chưa đạt tiêu chuẩn quy định.
Bà Nguyễn Thị Hận, quyền Giám đốc Sở KHCN&MT tỉnh Tây Ninh, cho biết: "Chúng tôi đang tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các cơ sở sản xuất có nước thải xả ra rạch Tây Ninh và đề nghị UBND tỉnh cho đình chỉ hoạt động hoặc di dời những cơ sở gây ô nhiễm đi nơi khác. Mặt khác, Sở KHCN&MT cũng đang thí nghiệm mô hình xử lý nước thải làng nghề sản xuất tinh bột khoai mì để giúp các cơ sở giảm thiểu ô nhiễm". Tuy nhiên, trong khi chờ áp dụng các biện pháp xử lý nước thải mang tính khả thi, rạch Tây Ninh vẫn đang bị ô nhiễm từng ngày, từng giờ.
(Theo Lao Động, 25/6)