Người hâm mộ thường vứt album sau khi mua vì thứ họ cần không phải chiếc đĩa nhạc mà là những phụ kiện đi kèm như ảnh thẻ của thần tượng (photocard), áp phích, bưu thiếp, nhãn dán (sticker).
Theo báo cáo hồi tháng 3 của Cơ quan người tiêu dùng Hàn Quốc, doanh số CD nội địa tăng từ 25 triệu năm 2019 lên 42 triệu, 57 triệu và 77 triệu những năm tiếp theo. Tổ chức kiểm tra 50 album khác nhau phát hành trong hai năm qua phát hiện phần lớn đều chứa hàng hóa ngẫu nhiên. Hơn 57% người mua album vì phụ kiện đi kèm, chỉ 5,7% người hâm mộ nói họ mua CD để nghe nhạc.
Bất chấp điều đó, các công ty giải trí vẫn ra mắt nhiều phiên bản album khác nhau và sử dụng các phụ kiện ngẫu nhiên trong mỗi album để kích thích lượng tiêu thụ. Họ thậm chí còn không tiết lộ chi tiết hàng hóa bán kèm để lôi kéo người mua, khuyến khích mua nhiều album hơn vì tò mò.
Người mua chỉ biết nhận được gì khi album đến tay. Chẳng hạn, album của nhóm Stray Kids có thể gồm hai photocard ngẫu nhiên lựa chọn từ 24 tấm, còn album của nhóm IVE gồm ba photocard ngẫu nhiễn, mỗi ảnh đến từ ba bộ khác nhau, mỗi bộ có 6 ảnh.

Ban nhạc Hàn Quốc BTS đang biểu diễn bài "DNA" tại lễ trao giải American Music Awards ở Los Angeles (Mỹ), tháng 11/2017. Ảnh: Yonhap
Liên đoàn phong trào môi trường Hàn Quốc (KFEM) cho biết các công ty còn tặng hàng trăm CD cho các trung tâm phúc lợi xã hội tạo ra gánh nặng cho người nhận buộc họ phải lên tiếng yêu cầu ngừng quyên góp.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, KFEM kêu gọi các công ty Kpop dừng các hoạt động tiếp thị này vì chỉ làm gia tăng áp lực lên năng lực xử lý rác thải trong nước. Đặc biệt, hiện tại có nhiều định dạng kỹ thuật số có thể thay thế đĩa cứng.
Bán album kèm phụ kiện phổ biến trong các năm gần đây như một cách để tăng thứ hạng cho nghệ sĩ trên các bảng xếp hạng âm nhạc hay giành giải thưởng cuối năm. Ngoài ra, doanh số album cũng là một thước đo mức độ nổi tiếng của các nghệ sĩ, dẫn tới cuộc đua khốc liệt từ cộng đồng người hâm mộ. Chưa kể, người hâm mộ sẽ có cơ hội cao hơn để tham gia các buổi gặp mặt thần tượng nếu mua nhiều album.
Dù vậy, một số công ty giải trí lớn đã có động thái nhằm xoa dịu và hướng tới mục tiêu bền vững. Chẳng hạn, album đầu tay "Querencia" của nữ ca sỹ chung Ha dùng giấy tái chế làm vỏ album và đánh dấu sách. Các phụ kiện bán nhân kỷ niệm thành lập nhóm của BlackPink sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Album của nhóm Victon không chứa CD vật lý mà người hâm mộ nghe nhạc và xem MV, tin nhắn video qua nền tảng trực tuyến do công ty IST Entertainment cung cấp.
Một quan chức giải trí giấu tên tiết lộ quy trình sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn, cũng như đắt hơn 10-15% so với thông thường. Các chuyên gia và nhà phê bình chỉ trích ngành công nghiệp Kpop phản ứng quá chậm chạp và lợi dụng mác "vì môi trường" để đánh bóng hình ảnh. Để thực sự "xanh" hơn, họ chỉ nên ra mắt album phi vật lý hoặc phát hành một phiên bản duy nhất để ngăn cản hành vi mua theo lố.
Huy Phương (Theo Korea Times, Korea Herald)