“Tôi rất giận vì đây là một sự cố làm ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp của tôi”, ông Kiểm nói. Thành viên Đoàn Luật sư Bà Rịa - Vũng Tàu này cho rằng dù chưa vào trại giam trực tiếp giáp mặt với Năm Cam, nhưng về mặt pháp lý, ông cùng luật sư Nguyễn Cẩm (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hải Phòng) đã hoàn tất mọi thủ tục để chính thức tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho “ông trùm”. Hai luật sư này được gia đình Năm Cam mời, và bước đầu đã nhận tạm ứng một phần chi phí. Ông Kiểm cho rằng tòa chỉ định ông Nguyễn Đăng Trừng là không cần thiết.
Về phần mình, ông Trừng cho rằng Năm Cam chỉ có thể lựa chọn hai phương án: chấp nhận luật sư Nguyễn Cẩm và Lê Văn Kiểm bào chữa theo yêu cầu thì ông sẽ rút lui; hoặc chấp nhận ông bào chữa thì phải bãi nhiệm hai đồng nghiệp kia để tránh việc chồng chéo. Trong buổi tiếp xúc với báo chí trưa qua, luật sư Trừng nói: “Chính bị cáo chứ không ai khác, kể cả gia đình họ, quyết định chấp nhận ai bào chữa cho mình”.
Theo tài liệu của TAND TP HCM, chỉ 4 ngày sau khi thụ lý vụ án (2/12), tòa đã ra danh sách 19 bị cáo, trong đó có Năm Cam, bị VKSND Tối cao truy tố về các tội có khung hình phạt cao nhất. Theo luật định, họ bắt buộc phải có luật sư bào chữa trước tòa. Vì vậy tòa đã có văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư TP HCM (đơn vị đóng trên địa bàn) cử người bào chữa. Hai ngày sau, luật sư Cẩm và Kiểm mới đến tòa đăng ký bào chữa theo yêu cầu của gia đình Năm Cam. Nhận định về thủ tục mời luật sư, ông Bùi Hoàng Danh, thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam và đồng bọn, khẳng định không có gì sơ suất. Ông nhấn mạnh: “Ai có thắc mắc gì thì trực tiếp đến liên hệ với tòa để được giải quyết”.
(Theo Thanh Niên)