Mới đây, tài tử Ấn Độ Sonu Sood bị nghi dùng hơn 2,57 triệu USD quyên góp được cho mục đích cá nhân. Chính phủ nước này mở cuộc điều tra thuế và phát hiện anh mới chi khoảng 257.000 USD đúng mục đích, trong đó tặng cho các tổ chức y tế, giáo dục. Trả lời tờ Hindustantimes hôm 21/9, Sood giải thích quá bận nên chưa giải ngân hết. Anh cũng muốn xem xét kỹ từng trường hợp để tránh lãng phí tiền.
Scandal đánh mạnh vào uy tín của Sonu Sood. Trên mạng xã hội, nhiều fan vẫn bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối. Số khác nghi ngờ, tức giận khi cảm thấy bị phản bội. "Đây là cách Sonu Sood quá bận và không có thời gian đi làm từ thiện", một người dùng Twitter đăng bức ảnh diễn viên đi xem thể thao cùng ngày bài phỏng vấn với Hindustantimes. Chủ đề #ScamSood (Sood lừa đảo) cũng vào top thịnh hành trên mạng xã hội nước này.
Nhiều sao quốc tế từng không ít lần gặp rắc rối với các khoản quyên góp hay quỹ do họ đứng tên.
Năm 2011, Kanye West bất ngờ đóng quỹ dù đã nhận được khoảng 443.000 USD ủng hộ từ công chúng. Rapper không công bố giấy tờ sao kê và từ chối trả lời các câu hỏi của truyền thông. Một nguồn tin thân cận của rapper giải thích anh quá đau buồn sau cái chết của mẹ Donda, người trực tiếp điều hành quỹ từ thiện, nên quyết định đóng cửa. Người này cũng khẳng định Kanye West đã giải ngân hết khoản tiền quyên góp trong quỹ trước đó.
Cùng năm, Madonna ngừng kế hoạch xây trường học ở Malawi sau khi người điều hành quỹ đồng thời là bạn trai cô - Tracy Anderson - bị nghi chi 3,8 triệu USD vào mục đích cá nhân như thuê nhà, xe và trả phí thành viên câu lạc bộ golf. Ca sĩ sau đó cải tổ bộ máy nhân viên điều hành.
Năm 2010, ca sĩ Wyclef Jean từng bị chỉ trích khi trích 410.000 USD từ quỹ từ thiện để trả các phí sản xuất chương trình âm nhạc. Anh cũng nhận cát-xê 100.000 USD cho buổi biểu diễn nhằm kêu gọi đóng góp từ người hâm mộ. Theo tờ Radar Online, một cuộc điều tra được mở ra và phát hiện Jean chỉ quyên góp 5,1 triệu USD từ tổng 16 triệu USD kiếm được. Ca sĩ sau đó phải đóng cửa tổ chức nhưng khẳng định không dùng tiền sai mục đích.
Chi phí vận hành quỹ cũng thường gây tranh cãi. Theo báo cáo thuế năm 2006, quỹ của Justin Timberlake chi 146.000 USD tiền vận hành khi chỉ quyên góp được 32.000 USD cho các tổ chức xã hội. Khoảng 40.000 USD trong đó được chú thích không rõ ràng, như là "trả các dịch vụ". Cùng năm, danh hài Jerry Seinfeld kêu gọi quyên góp hơn 2,5 triệu USD mà chỉ mất khoảng 47.000 USD phí vận hành.
Tài tử Alec Baldwin từng nhận chỉ trích khi bị phát hiện thuê một thành viên trong gia đình điều hành quỹ và ăn lương hàng trăm nghìn USD từ tiền của người hâm mộ. Người đại diện của gia đình khẳng định với Radar Online quỹ hoạt động minh bạch nhưng từ chối tiến hành sao kê, kiểm toán.
Năm 2012, Lady Gaga cũng vướng bê bối khi quỹ Born This Way của cô chỉ trực tiếp tặng 5.000 USD trên tổng 2 triệu USD quyên góp được. Phần còn lại dùng để chi trả cho cách hoạt động di chuyển, quảng bá chiến dịch. Trong thư gửi tờ Huffington Post, mẹ ca sĩ cho biết quỹ được lập ra để trực tiếp làm từ thiện, không đơn thuần gửi tiền cho những tổ chức khác. Bà giải thích chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về nạn bắt nạt tại trường học thông qua các hoạt động lưu diễn, talkshow, quảng cáo trực tuyến...
Bên cạnh những lùm xùm, nhiều ngôi sao vẫn tích cực quyên góp qua các tổ chức cá nhân một cách hiệu quả.
Theo một thống kê năm 2010 của Forbes, một phần tư sao hạng A ở Mỹ có quỹ từ thiện và con số đó ngày càng tăng trong những năm gần đây. Người dẫn chương trình Oprah Winfrey là sao Hollywood nổi tiếng nhất trong các hoạt động vì cộng đồng. Theo People, quỹ của bà đã quyên góp được khoảng 172 triệu USD cho các dự án về phụ nữ, trẻ em trên toàn thế giới. Năm ngoái, MC cũng tặng riêng 10 triệu USD cho các tổ chức chống Covid-19 tại Mỹ. Nhà sản xuất phim Tyler Perry cũng được nhiều người mến mộ vì những hành động thiện nguyện. Qua tổ chức sáng lập năm 2006, anh góp hàng chục triệu USD cho những dự án cứu giúp người khó khăn tại Mỹ và trên khắp thế giới.
Từ lâu, các sao Hollywood đã nhận thức những nguy cơ khi đứng lên kêu gọi từ thiện. Ca sĩ Avril Lavigne từng thừa nhận bản thân ngây thơ khi nghĩ chỉ cần lòng tốt là đủ. Năm 2010, cô quyết định lập một quỹ giúp trẻ em tàn tật và bị sốc trước khối lượng công việc phải làm. "Đó thực sự là một vấn đề lớn. Bạn phải sắp xếp mọi việc thật hợp lý và có một đội ngũ tốt hỗ trợ... Tôi từng rất căng thẳng khi mới bắt đầu", ca sĩ nói với Rolling Stone.
Mặt tích cực của việc lập quỹ là giúp nghệ sĩ quản lý các hoạt động một cách chuyên nghiệp, khoa học. Jeffrey Davine - một luật sư ở Los Angeles - nói phần lớn giới nghệ sĩ đều rất cẩn trọng khi cân đối thu chi của các quỹ. Các cơ quan thuế luôn theo dõi kỹ các hoạt động và sớm can thiệp nếu phát hiện các dấu hiệu gian lận, rửa tiền.
Để tránh rắc rối không đáng có, các sao quốc tế cố gắng minh bạch và đơn giản hóa việc thu chi trong các hoạt động thiện nguyện cá nhân. Với những khoản quyên góp lớn, họ thường chọn các tổ chức xã hội như Feeding America, Direct Relief... Nếu muốn tiền sớm đến tay các nạn nhân như trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, nghệ sĩ có thể trực tiếp trích tiền từ quỹ để giúp một số trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, những khoản này thường dừng ở mức nhỏ, khoảng vài chục nghìn USD.
Bên cạnh các hoạt động tự quyên góp, sao quốc tế kêu gọi người hâm mộ ủng hộ thẳng đến những quỹ lớn. Lúc này, họ chỉ giữ vai trò đại sứ hoặc người đại diện để tạo niềm tin với người hâm mộ. Giới nghệ sĩ cũng tổ chức các sự kiện nghệ thuật nhằm thu hút sự chú ý của công chúng. Tháng 3/2020, đêm nhạc trực tuyến Living Room Concert for America do Elton John khởi xướng nhận được tám triệu USD từ khán giả. Tháng 4/2020, show The One World: Together At Home gây quỹ 127 triệu USD từ các công ty và nhà hảo tâm.
Phương Mai