![]() |
Tổng thống đắc cử Francois Hollande và nhà báo Valerie Trierweiler gặp người ủng hộ ông Hollande tại quảng trường Bastille, thành phố Paris hôm 7/5. Ảnh: AFP. |
Bà Trierweiler, nhà báo 47 tuổi chuyên viết về chính trị, gặp ông Hollande lần đầu tiên trong cuộc bầu cử quốc hội Pháp năm 1988. Hai người công khai quan hệ và chung sống từ năm 2006. Trước đó ông Hollande chia tay vợ là bà Segolene Royal, một chính trị gia nổi tiếng của đảng Xã hội cũng từng tranh cử tổng thống. Ông Hollande và bà Royal có 4 con chung.
Sau khi ông Hollande đắc cử tổng thống hôm 6/5, một số người đoán rằng bà Trierweiler sẽ cưới tân tổng thống Pháp trước khi ông bước vào điện Elysee vào ngày 15/5 tới. Nếu Trierweiler không thực hiện việc này, một số quốc gia mà ông Hollande viếng thăm trong tương lai sẽ đối mặt với những vấn đề tế nhị trong nghi thức ngoại giao. Chắc chắn ban lễ tân của nhiều chính phủ sẽ phải tìm ra nghi thức phù hợp để tiếp đón một nguyên thủ quốc gia cùng một phụ nữ không phải là vợ.
Trierweiler, người từng li hôn hai lần và có 3 con, chưa tỏ rõ quan điểm đối với vấn đề kết hôn. “Đó không phải là vấn đề khiến tôi bận tâm. Suy cho cùng thì chuyện kết hôn là một phần cuộc sống riêng tư của chúng tôi”, Trierweiler nói với AFP.
Các nước theo đạo Hồi, Ấn Độ và nhiều quốc gia có tư tưởng bảo thủ khác có thể coi tình trạng không hôn thú của bà Trierweiler là một vấn đề về ngoại giao. Đạo Hồi chỉ cho phép nam và nữ chung sống nếu họ có hôn thú.
Khi Tổng thống Nicolas Sarkozy, người vừa thất bại trong nỗ lực ở lại điện Elysee thêm một nhiệm kỳ nữa, thực hiện chuyến công du đầu tiên của ông tới vùng Vịnh vào tháng 1/2008, cựu siêu mẫu Carla Bruni không đi cùng. Khi đó ông Sarkozy đã đính hôn với bà Bruni, song chưa đăng ký kết hôn.
Khi ông Sarkozy thăm Ấn Độ, ông vẫn chưa tổ chức đám cưới với bà Bruni. Các quan chức của Pháp và Ấn Độ đã phải thảo luận nhiều lần về những nghi lễ tiếp đón bà Bruni. Báo giới ở Ấn Độ - nơi kết hôn và gia đình được người dân coi là hai yếu tố quan trọng nhất trong đời - liên tục đặt câu hỏi: Tổng thống Pháp và bà Bruni sẽ ở chung phòng với nhau hay không? Liệu bà Bruni tham gia tiệc thết đãi dành cho ông Sarkozy hay không?
Cuối cùng bà Bruni không tháp tùng ông Sarkozy tới Ấn Độ. Song hai người quay lại Ấn Độ để thăm ngôi đền Taj Mahal - nơi được coi là tượng đài của tình yêu - sau khi đám cưới của họ diễn ra.
Vị thế của nhà báo Trierweiler cũng có thể gây ra một số vấn đề lễ tân giống như cựu đệ nhất phu nhân Bruni. “Thông thường chúng tôi chỉ ban hành các nghi thức ngoại giao đối với các cặp vợ chồng. Nhưng tôi không biết chi tiết về trường hợp của ông Hollande và chúng tôi chưa thể trả lời câu hỏi về nghi lễ tiếp đón ông ấy cùng bạn gái”, Syed Akbaruddin, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói.
Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Pháp nói rằng phần lớn quốc gia mà các tổng thống Pháp thăm viếng đều sẵn sàng thực hiện các yêu cầu của khách. Theo quan chức này, chung sống mà không kết hôn không phải là vấn đề nghiêm trọng trong thế kỷ 21.
“Nếu chúng tôi yêu cầu quan chức các nước khác đối xử với một phụ nữ như phu nhân của tổng thống, họ sẽ làm như vậy”, vị quan chức khẳng định.
Việt Linh