Hôm qua, một máy bay của Ethiopian Airlines gặp nạn ngay khi mới cất cánh từ thủ đô Addis Ababa, khiến 157 người thiệt mạng. Tháng 10/2018, tai nạn của Lion Air (Indonesia) cũng khiến 189 hành khách tử vong.
Hai vụ tai nạn với cùng một dòng máy bay - 737 Max, xảy ra trong thời gian ngắn đã khiến cả phi công, hành khách, kỹ sư và giới phân tích trong ngành chú ý. Với Boeing, đây là vấn đề rất quan trọng, vì 737 rất được các hãng bay toàn cầu ưa chuộng và 737 Max thân hẹp là máy bay bán chạy nhất của họ từ trước đến nay. Đến cuối tháng 1, Boeing đã giao hơn 350 chiếc và còn hơn 5.000 chiếc đang sản xuất theo đơn đặt hàng. Giá niêm yết mỗi máy bay vào khoảng 120 triệu USD. 737 Max mới được đưa vào hoạt động năm 2017.
Cạnh tranh trong hoạt động sản xuất và bán máy bay rất khốc liệt. 737 Max là câu trả lời của Boeing với bản nâng cấp cho A320 của Airbus. Đây là hai hãng sản xuất máy bay hàng đầu, đã thống trị thế giới nhiều năm nay. Dòng 737 của Boeing hiện có khoảng 10.000 chiếc đang hoạt động, còn A320 có khoảng 8.000 chiếc. Rất nhiều hãng hàng không đang phụ thuộc vào các máy bay này. Chúng được thiết kế để bay các chặng ngắn và trung bình, chuyên chở khoảng 200 hành khách.
Nguyên nhân của các vụ tai nạn vẫn đang được làm rõ. Dù vậy, giới phân tích cho rằng cổ phiếu của Boeing hôm nay sẽ khó thoát ảnh hưởng. Và việc này chắc chắn gây sức ép mạnh lên chỉ số DJIA – vốn từ vài năm nay được kéo lên nhờ thành công của Boeing.
Cổ phiếu Boeing đã tăng gấp 3 kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và hiện là mã đắt giá nhất trong DJIA. Chỉ số này đã tăng hơn 7.000 điểm. Boeing đóng góp gần 30% mức tăng đó.
Richard Aboulafia – nhà phân tích hàng không tại Teal Group cảnh báo nhà đầu tư không nên quá chú trọng vào diễn biến cổ phiếu trong ngắn hạn. "Tôi đã học được bài học cay đắng khi nhìn vào giá cổ phiếu ngay sau một vụ tai nạn", ông cho biết. Aboulafia dự báo nếu có giảm, việc này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, vì tiềm lực của Boeing vẫn rất mạnh.
Cuối tuần trước, cổ phiếu Boeing chốt tại 422 USD. Vốn hóa hãng bay hiện là gần 239 tỷ USD. Boeing đang có khoảng 150.000 lao động, mang về doanh thu hơn 100 tỷ USD năm ngoái với lợi nhuận 10 tỷ USD. "Kể cả nếu họ phải thực hiện nhanh chóng hàng loạt sửa đổi, hoặc tăng cường chương trình đào tạo, họ vẫn có đủ nguồn lực. Và so với nền tảng doanh thu đó, nó cũng không phải là một thảm họa", Aboulafia nói.
Cách đây 6 năm, Boeing cũng gặp rắc rối tương tự. Khi đó, máy bay 787 của họ bị nhiều nước cấm bay trong vài tháng vì hàng loạt vấn đề về pin. Đại diện hãng cho biết các kỹ sư đã mất khoảng 200.000 giờ lao động không ngừng nghỉ để tìm ra cách sửa lỗi. Khoảng 300 kỹ sư chia làm 10 đội đã đi đến các quốc gia mua 787 để thay pin mới cho máy bay.
Boeing là một trong các hãng xuất khẩu lớn nhất Mỹ. Văn phòng chính của họ đặt tại Chicago, và việc sản xuất phần lớn diễn ra trong các nhà máy tại bang Washington và Bắc Carolina.
Nhà máy tại Washington chủ yếu sản xuất 737 Max. Boeing năm ngoái cũng mở một trung tâm hoàn thiện sản phẩm tại Trung Quốc. Theo Seattle Times, khoảng một phần ba số 737 mới đã được giao cho các hãng bay Trung Quốc. Cơ sở tại nước này sẽ chịu trách nhiệm sơn bên ngoài và lắp đặt nội thất để tiết kiệm chi phí và thời gian giao cho các khách hàng này.
Sáng nay, tờ Caijing của Trung Quốc đưa tin phần lớn hãng bay Trung Quốc đã ngừng sử dụng Boeing 737 Max và thay bằng Boeing 737-800 trên cùng tuyến. Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cũng yêu cầu các hãng hàng không trong nước ngừng dùng loại máy bay này.
Đến nay, các hãng bay lớn của Trung Quốc là người mua chủ yếu máy bay mới của Boeing. Họ đã đặt hàng hơn 100 chiếc và nhận về ít nhất 70 chiếc.
Hà Thu (theo NYT/Bloomberg)