Theo báo cáo mới của Quỹ Ellen MacArthur tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra hôm 20-23/1 ở Davos, Thụy Sĩ, mỗi năm các ngành công nghiệp thải ra 95% bao bì nhựa sử dụng một lần. Trong số đó, khoảng 40% được chôn dưới đất và hơn 30% được thải xuống các đại dương.
Từ năm 1964, sản xuất nhựa tăng gấp 20 lần và ngày nay đang ở mức khoảng 343 triệu tấn/năm. Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới và tăng gấp 4 lần vào năm 2050, khi các quốc gia đang phát triển tiêu thụ nhiều nhựa hơn. Rác trong đại dương đang gây hại cho các loài động vật hoang dã. Nhựa trở thành thức ăn của cá, chim biển, rùa, hải cẩu, và gián tiếp đi vào ruột con người, theo IFL Science.
Vấn đề không chỉ nằm ở số lượng nhựa trong đại dương mà còn gắn liền với lượng nhiên liệu hóa thạch cần thiết để tạo ra nhựa. Việc sản xuất nhựa chiếm khoảng 6% lượng dầu tiêu thụ toàn cầu và con số có thể tăng lên 20% vào năm 2050.
"Báo cáo này cho thấy tầm quan trọng của việc bắt đầu một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp nhựa và thay đổi cách xử lý nhựa sau khi sử dụng", Dominic Waughray, người điều hành các cuộc thảo luận thường niên tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nhận xét.
Giá dầu ở mức quá thấp hiện nay có nghĩa tái chế nhựa cũ tốn kém hơn so với sản xuất mới, và các quốc gia đang phát triển là những thị trường tiêu thụ nhựa lớn nhất.
Theo báo cáo, con người cần giảm dùng nhựa để đóng gói bao bì, và tái chế ở mức nhiều nhất có thể. Các nhà sản xuất có thể hỗ trợ bằng cách sản xuất các mặt hàng nhựa tái sử dụng, đồng thời tái chế nhựa thành phân trộn.
Vân Du