Trong công văn gửi các giám đốc bệnh viện và Sở Y tế địa phương hôm 20/4, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu như trên, trong bối cảnh xuất hiện tình trạng nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn người bệnh, người nhà sử dụng các sản phẩm sữa của một số doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng giả đang được điều tra.
Cụ thể, các bệnh viện cần giám sát chặt chẽ việc quảng cáo, tiếp thị, tư vấn, kê đơn hay hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc (như sữa, thực phẩm chức năng) nhưng lại đưa ra thông tin về phòng, chữa hoặc chẩn đoán bệnh, điều trị, giảm nhẹ bệnh, hoặc điều chỉnh chức năng cơ thể... Bộ Y tế nhấn mạnh không được lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo sai sự thật, đồng thời yêu cầu các bệnh viện đảm bảo hoạt động dinh dưỡng đúng quy định.
Ngoài ra, các cơ sở y tế phải kiểm tra danh mục thuốc và các loại thuốc đang sử dụng, đối chiếu với danh sách thuốc giả mà công an phát hiện gần đây, có biện pháp xử lý nếu phát hiện vi phạm. Bệnh viện cũng cần rà soát lại việc kê đơn các sản phẩm không phải là thuốc để phát hiện và chấn chỉnh những trường hợp chưa đúng quy định.
Hôm qua, TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, cũng yêu cầu các bệnh viện rà soát sữa và sản phẩm dinh dưỡng đang tư vấn bệnh nhân dùng. Theo đó, bệnh viện phải rà soát xem đã sử dụng từ khi nào, dùng cho ai và thông tin lại cho người bệnh. Nếu bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe liên quan đến sử dụng các sản phẩm này thì cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm do đã tư vấn dùng.
Những ngày qua, lần lượt Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn thông báo dừng tư vấn sử dụng và thu hồi sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus, Hapomil do phát hiện chúng thuộc công ty sản xuất sữa giả. Trước đó, Bộ Công an thông tin triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Sữa giả được bán ở nhiều nơi từ các cửa hàng bán lẻ, sàn thương mại điện tử.
Lê Nga