Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ làm việc trực tiếp với những doanh nghiệp đã và đang triển khai các gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19 sau khi kết thúc cách ly toàn xã hội (tức sau ngày 22/4). Đồng thời, cơ quan này tiếp tục theo dõi, giám sát việc triển khai các sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm trong bối cảnh Thủ tướng đã yêu cầu không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19.
Ngoài ra, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm rà soát, thu thập bằng chứng vi phạm của doanh nghiệp (nếu có), rồi xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, Công ty Bảo hiểm Vietinbank, Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội, Bảo hiểm Bưu Điện đã lấy chữ Corona là tên thương mại của gói bảo hiểm dù sản phẩm không có điều khoản cụ thể về bảo hiểm cho dịch.
Với Manulife Việt Nam, sản phẩm "gói hỗ trợ viện phí và đền bù người bị nhiễm Covid-19" được doanh nghiệp triển khai thuộc nhóm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ cá nhân linh hoạt và nhóm các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ.
Theo Bộ Tài chính, Manulife Việt Nam không loại trừ quyền lợi bảo hiểm trong trường hợp liên quan đến dịch nên khách hàng vẫn được chi trả theo thỏa thuận tại hợp đồng nếu phải nằm viện hoặc tử vong do dịch.
Còn Công ty cổ phần bảo hiểm Viễn Đông (VASS) được Bộ này nhắc tới khi triển khai sản phẩm bảo hiểm Corona Care và cấp giấy chứng nhận bảo hiểm dù chưa được phê chuẩn.
Tuy nhiên, phản hồi với VnExpress, đại diện VASS khẳng định tất cả sản phẩm bảo hiểm đều được Cục Quản lý giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính phê duyệt, đáp ứng đầy đủ điều kiện pháp lý trước khi triển khai trên thị trường.
"Trong bất kỳ trường hợp nào, quyền lợi của khách hàng đã mua bảo hiểm liên quan tới Covid-19 đều được doanh nghiệp đảm bảo theo những quy định pháp lý do cơ quan quản lý Nhà nước ban hành", đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Hoàng Thắng