Theo ông Hiển, so với những năm trước, tỷ lệ bỏ học trong học kỳ 1 vừa qua (hơn 100.000 em) không quá bất thường. Tỷ lệ bỏ học ở các vùng miền không đồng đều, trong đó, các tỉnh Tây Bắc, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên có tỷ lệ cao hơn mức trung bình.
Theo đó, giải pháp ưu tiên trước mắt của ngành giáo dục sẽ là rà soát tính phù hợp của sách giáo khoa với chương trình đã được công bố, với điều kiện dạy học, cơ sở vật chất; đánh giá về cách trình bày, tính khoa học, chính xác của sách.
"Từ năm học này, Bộ cũng chỉ đạo các trường chủ động bố trí nội dung, thời lượng dạy học xê dịch trong phạm vi nhất định cho phù hợp học sinh và hoàn cảnh", ông Hiển nói.
Theo Bộ GD&ĐT, việc sử dụng một bộ sách duy nhất như hiện nay là không còn phù hợp. Ảnh: H.H. |
NXB Giáo dục cũng đã sưu tầm các ý kiến góp ý về sách giáo khoa. Ông Hiển cho biết, cơ quan này sẽ không chỉ tiếp thu ý kiến của giáo viên mà còn quan tâm tới ý kiến của xã hội và các nhà khoa học.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, hiện nay, bằng cấp của đội ngũ giáo viên đã được nâng lên nhưng năng lực dạy học lại chưa tương xứng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng giáo dục.
"Bộ đã đi sâu hơn về việc đánh giá giáo viên thông qua các bộ chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học và sắp tới sẽ có chuẩn các cấp và chuẩn đánh giá Hiệu trưởng, cán bộ quản lý giáo dục... Chuẩn này sẽ giúp giáo viên tự đánh giá và có hướng phấn đấu", Thứ trưởng Hiển đưa ra giải pháp.
Liên quan đến sách giáo khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM Huỳnh Công Minh từng nhận định, chương trình giáo dục đạo đức hiện nay nặng kiến thức triết học, luật pháp nhưng thiếu vấn đề thực hành, kỹ năng sống, chưa phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi... Do vậy, Sở này muốn được thí điểm biên soạn sách giáo dục công dân cho học sinh thành phố.
Trong lần đăng đàn Quốc hội gần đây, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận, do 80% người biên soạn sách, ở thời điểm biên soạn, không dạy phổ thông nên có thể có nội dung không phù hợp. Người đứng đầu ngành giáo dục gợi ý có thể mời các nhà khoa học đánh giá độc lập để điều chỉnh chương trình sách nhanh hơn.
Hiện NXB Giáo dục là đơn vị độc quyền in sách giáo khoa dùng cho tất cả các cấp học. Trong khi cả nước hiện có hơn 50 NXB. Theo Thanh tra Chính phủ, từ 2002 đến 30/6/2006, NXB Giáo dục phát hành 891 triệu bản (hơn 821 triệu bản sách giáo dục) với doanh thu hơn 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận gần 346 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 240 tỷ đồng. Doanh thu hàng năm đạt 840 tỷ đồng. |
Tiến Dũng