Thông tin được ông Nguyễn Văn Ngọc - Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền Ngân hàng Nhà nước chia sẻ với báo chí chiều 11/5 cho biết những ngày qua, cơ quan quản lý có nắm bắt việc Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố Hồ sơ Panama, trong đó nêu tên của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam liên quan đến các doanh nghiệp thành lập ở nước ngoài.
Nhận định hiện chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này song cơ quan quản lý cũng cho biết đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát theo dõi thông tin liên quan và sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xử lý theo quy định.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết sau khi nhận được thông tin, đơn vị này cũng sẵn sàng phối hợp tích cực với các Bộ, ngành nếu cần phải điều tra làm rõ. "Ví dụ, khi xem xét, bên thuế thấy tổ chức nào có liên quan, cần kiểm tra vấn đề chuyển tiền ra nước ngoài thì Cục sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ", ông nói và cho rằng Hồ sơ Panama là một thông tin mang tính chất tham khảo cho hoạt động của cơ quan quản lý.
Trước đó, Tổng cục Thuế cũng đã thành lập một tiểu ban khẩn để tiến hành đối chiếu dữ liệu để kiểm tra nghĩa vụ thuế của những cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama do ICIJ cung cấp.
Ngay trong sáng qua, nhiều doanh nghiệp và các công ty Việt Nam đã lên tiếng khẳng định các giao dịch đầu tư ra nước ngoài, mở pháp nhân tại công ty nước ngoài theo Hồ sơ Panama cung cấp là hợp pháp. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia - cho rằng đây có thể hiểu là một biện pháp "tự vệ" dễ hiểu của họ nhưng cũng không thể xác định được là họ vô tội hay vi phạm.
Theo ông, hiện các quy định pháp lý về đầu tư ra nước ngoài cũng như chuyển tiền ra nước ngoài được quy định khá chặt chẽ nên vấn đề là các cơ quan quản lý có quản lý chặt và có sự móc ngoặc nào để cố tình làm sai hay không. "Tất cả các dòng vốn ra khỏi Việt Nam, nếu đúng giấy trắng mực đen, giao dịch chính thống thì phải xin phép ở Vụ Quản lý Ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, dù đó là đầu tư trực tiếp, gián tiếp hay chỉ đơn giản là chuyển tiền cá nhân. Ngay cả các giao dịch vãng lai được tự do hóa vẫn duy trì chế độ chứng từ rất nghiêm ngặt", ông nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia từng là lãnh đạo cơ quan quản lý ngoại hối này cũng nói thêm, câu chuyện Panama đặt ra vấn đề về quá trình quản lý Nhà nước với các chu trình chuyển vốn, mở cửa đón nhận đầu tư hay đưa vốn ra bên ngoài.
Hồ sơ Panama là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử, với hơn 11 triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca (Panama). Báo cáo của Hiệp hội Phóng viên Điều tra Quốc tế (ICIJ) dựa trên những thông tin này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp giới nhà giàu và quyền lực lập ra hàng trăm nghìn công ty tại Quần đảo British Virgin, Cayman, Seychelles và Bermuda. Đây là những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế, lý tưởng cho các hoạt động ngầm, né thuế hay rửa tiền.