Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, UBND TP HCM vừa chỉ đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư rà soát các dự án bất động sản, đặc biệt lưu ý các dự án nhà ở cao cấp, nếu không triển khai, đất bỏ hoang hóa hoặc chậm triển khai sẽ phải thu hồi theo quy định.
Ủy ban cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM kiểm soát chặt nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản, chuyển tiền thu được từ bất động sản ra nước ngoài để ngăn chặn rửa tiền, chuyển giá, trốn lậu thuế, thanh toán giao dịch bất động sản bằng tiền mặt.
Ngoài ra, thành phố sẽ rà soát các dự án thế chấp ngân hàng, chậm tiến độ do vướng mắc pháp lý về đất đai, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm cấp sổ đỏ (sổ hồng) cho người dân.
Trong khi đó, Sở Xây dựng được giao theo dõi và kịp thời bình ổn thị trường, tránh xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản. Sở Xây dựng phải tăng cường xử lý các vi phạm về đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án có vi phạm về xây dựng, các dự án không thực hiện bảo lãnh trong kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai, chưa nghiệm thu chất lượng công trình đã đưa vào sử dụng.
Riêng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM được chỉ đạo giám sát chặt tình hình cấp tín dụng với lĩnh vực bất động sản, có chính sách tín dụng linh hoạt đáp ứng nhu cầu thực về mua nhà của người dân, hạn chế cho vay đầu tư bất động sản cao cấp, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và đầu cơ lĩnh vực này. Theo lãnh đạo thành phố, việc tăng cường kiểm tra việc cho vay với các dự án bất động sản quy mô lớn, nhất là dự án cao cấp đóng vai trò hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả thị trường bất động sản.
Các chỉ đạo của UBND TP HCM được ban hành trong bối cảnh nhiều tổ chức khảo sát thị trường cảnh báo về tình hình lệch pha cung cầu, thừa nhà cao cấp, thiếu hụt nhà giá rẻ trên địa bàn. Trung tuần tháng 1/2021, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cũng công bố báo cáo thị trường nhà ở với quan ngại tình trạng thừa nhà cao cấp đang ở mức báo động, đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường và tác động xấu đến an sinh xã hội.
Cụ thể, phân khúc cao cấp chiếm 70% rổ hàng, đây là thế áp đảo trên thị trường bất động sản năm 2020. Phân khúc nhà ở trung cấp chiếm khoảng trên 25% tổng số nhà ở. Đáng quan ngại là phân khúc nhà ở bình dân chỉ có 163 căn nhà, chỉ chiếm 1% trong tổng số nhà ở được huy động vốn trong 12 tháng qua.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, việc thừa nhà cao cấp, thiếu nhà giá rẻ ảnh hưởng đến việc đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đa số người dân có thu nhập trung bình, thấp trong đô thị, cán bộ công chức, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư. Đồng thời, hệ lụy đáng quan ngại hơn nữa là biểu hiện thừa cung của phân khúc nhà ở cao cấp trên thị trường đầu tư và đầu cơ. Hiện tỷ trọng nhà đầu tư thứ cấp trong phân khúc nhà cao cấp chiếm tỷ lệ rất cao, trên dưới 60%, là dấu hiệu cảnh báo vì đe dọa sự phát triển bền vững của thị trường.
Trung Tín