Tác giả Nguyễn Quân là hoạ sĩ kiêm nhà phê bình mỹ thuật, ông đã đồng hành với mỹ thuật Việt Nam trong suốt thời kỳ đổi mới, tập hợp nhiều dữ liệu sống động và xác thực của thời cuộc.
Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét trong lời giới thiệu cuốn sách: “Viết về mỹ thuật có ba dạng: lịch sử, lý luận và bình luận. Viết được ở cả ba mảng đó, Nguyễn Quân là người duy nhất”.
Bìa sách "Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20". Ảnh: NXB Tri Thức. |
Viết về lịch sử, nhưng là lịch sử nghệ thuật nên cách viết cũng phải có chất nghệ thuật, nếu không sẽ chỉ là một cuốn sách sử chính xác và… nhạt. Viết về sự kiện, Nguyễn Quân luôn đưa ra bình luận, nhận định. Theo Lê Thiết Cương, chẳng hạn khi đưa ra sự kiện “Năm 1884, Pháp phá tháp Báo Thiên để xây Nhà thờ lớn”, Nguyễn Quân bình: “Người Pháp khởi đầu thời kỳ Khai hóa bằng tàn phá”.
Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử đầy biến động, không dễ gì tổng kết và đánh giá một cách mạch lạc. Tác giả phải có tư duy tổ chức tốt. Nguyễn Quân cũng là người sáng tác, ông có nền tảng về mỹ thuật, hoàn toàn có thể cảm tác phẩm và đánh giá cả nền mỹ thuật một cách thuyết phục.
Nguyễn Quân mô tả thế kỷ 20 “có lẽ là thế kỷ nhiều biến động và thay đổi toàn diện, căn bản nhất trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam”. Xã hội Việt Nam chuyển từ thời kỳ phong kiến suy tàn sang thời kỳ thuộc địa với những cuộc “đụng độ văn hóa Đông - Tây”, những vật lộn công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tiếp theo là hai cuộc chiến tranh dai dẳng và khốc liệt dẫn tới sự chia cắt và thống nhất đất nước. Để rồi Việt Nam ta trở lại tiếp tục đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong một thế giới hoàn toàn khác so với 100 năm trước.
Mỹ thuật Việt Nam là dòng chảy soi bóng chân thực nhất diễn trình lịch sử ấy: Mỹ thuật thời trước 1925; Mỹ thuật Đông Dương; Mỹ thuật Hiện thực XHCN; Mỹ thuật Đổi mới và đương đại thời hiện tại. Nguyễn Quân tin rằng, các thành tựu mỹ thuật cũng là sự biểu hiện thị giác tuyệt vời của tâm hồn Việt Nam, tình cảm và lý trí của con người Việt Nam. Điều đó làm cho mỹ thuật Việt Nam trong thế kỷ qua trở nên rất hấp dẫn.
Trong thời gian biên soạn sách, tác giả đã kỳ công sưu tập những hình ảnh phong phú về các tác phẩm mỹ thuật từ thời đầu thế kỷ cho đến thời hiện tại. Sách do NXB Tri Thức ấn hành, ra mắt chiều 29/10 tại Hà Nội.
Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20 được Nguyễn Quân chia làm 4 giai đoạn: 1. Những năm đầu thế kỷ 20: Từ Nhà thờ Phát Diệm đến Lăng Khải Định - cuộc gặp gỡ Đông - Tây lần thứ hai |
Pham Mi Ly