Sở Y tế đề nghị Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân và những người liên quan, xử lý và báo cáo Sở trước ngày 19/7. Bệnh viện cần phối hợp với các gia đình để theo dõi và chăm sóc sức khỏe các cháu.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu bệnh viện rà soát lại quy trình chuyên môn, quy chế bệnh viện, thay đổi, bổ sung trang thiết bị, xe đẩy, chỉnh sửa hệ thống đường hành lang, đường nội bộ bệnh viện tạo điều kiện chăm sóc, phục vụ bà mẹ, trẻ em tốt nhất. Đồng thời yêu cầu bệnh viện tăng cường tập huấn kỹ năng chăm sóc người bệnh và chấn chỉnh phong cách giao tiếp ứng xử của cán bộ nhân viên.
Trước đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã yêu cầu khoa A3 - nơi xảy ra sự cố - và điều dưỡng viết bản tường trình, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cá nhân và tập thể liên quan; rà soát lại quy trình chăm sóc trẻ. Các khoa lâm sàng khác cũng cần rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn. Nữ điều dưỡng gây ra sự việc này cũng đã bị tạm đình chỉ công tác, chờ kết luận của hội đồng kỷ luật của bệnh viện.
Việc tắm cho các bé sau sinh là một trong những quy trình chuyên môn chăm sóc trẻ. Tại hầu hết các khoa hậu sản của các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, phòng tắm bé được bố trí trên cùng hành lang, không cách xa buồng nằm của các sản phụ. Đều đặn vào 9-10h sáng, điều dưỡng đẩy xe đi qua các buồng bệnh để đón trẻ đi tắm, xong lại đẩy xe trả trẻ về với mẹ.
Đoạn đường đẩy xe đưa bé đi tắm là đường thẳng, không có đoạn gồ ghề. Tại khoa A3, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng tương tự, riêng đoạn trước cửa phòng số 30, 32 là có đoạn dốc khá cao phía trước. Xe được dùng để đón trẻ có 2 loại: loại nhỏ có thể chứa được 4-5 bé, bánh xe nhỏ, cao 1m. Loại lớn có thể chứa được 10-15 bé, thành cao hơn, trọng lượng nặng hơn.
Cá biệt, có nơi người nhà có thể tự tay bế bé đến phòng để nhân viên y tế tắm, đứng đợi ở ngoài để đón bé khi xong. Tại một số bệnh viện tư, điều dưỡng đến tận từng buồng sản phụ để tắm cho trẻ.
Theo một bác sĩ sản tại một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, việc điều dưỡng đến từng buồng bệnh tắm cho bé tại các bệnh viện công - nơi thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải - là một việc không phải dễ. Ngoài ra còn phải kể đến cơ sở vật chất chật hẹp, nhiều lúc sản phụ phải kê giường nằm ngoài hành lang. Trong khi đó, việc tắm cho trẻ sơ sinh phải đảm bảo trong môi trường kín gió, đảm bảo nhiệt độ thích hợp với sức khỏe của bé. Hơn nữa khí hậu miền Bắc cũng khá khắc nghiệt, lúc nóng, lúc lạnh...
Tại TP HCM, hầu hết các điều dưỡng và nữ hộ sinh đều cho rằng tai nạn của đồng nghiệp ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là hy hữu và chưa từng nghe xảy ra tại các bệnh viện sản Sài Gòn.
Bà Lý Bạch Thu Nga, phòng Điều dưỡng Bệnh viện Từ Dũ, cho biết một trong những điểm khác biệt của các bệnh viện sản ở TP HCM là không có chuyện tắm trẻ tập trung nên không có cảnh di chuyển nhiều bé một lúc.
Bệnh viện Từ Dũ đến giờ tắm, các điều dưỡng sẽ đẩy xe đến tận phòng và tắm bé trước mặt bà mẹ. Trong ngày đầu tiên, điều dưỡng sẽ chuẩn bị đầy đủ nước tắm quần áo, khăn, cồn làm vệ sinh rốn, xà phòng. Đến ngày thứ hai, đồ dùng cho bé sẽ do gia đình cung cấp.
“Mục đích tắm trước mặt mẹ là vừa để hướng dẫn cho mẹ tự tắm và chăm sóc con sau này khi xuất viện, vừa phòng thất lạc bé do lượng trẻ tại bệnh viện quá đông”, bà Nga nói. Cũng theo bà Nga, trong trường hợp buộc phải di chuyển các bé như đi khám, làm vật lý trị liệu, đi làm xét nghiệm thì bệnh viện luôn yêu cầu có người nhà của sản phụ đi theo. Thông thường chính người nhà sẽ bế các bé đến nơi rồi tự bế về phòng. Trường hợp phải đẩy trẻ trên xe thì cũng có thanh chắn cao an toàn.
Một trong những quy định mà Bệnh viện Từ Dũ cũng như các bệnh viện sản khác tại TP HCM như Hùng Vương, ĐH Y dược luôn thực hiện nghiêm ngặt, chính là trang phục của điều dưỡng. Do phải thường xuyên di chuyển nên giày dép của điều dưỡng là loại thấp, có độ bám để tránh trơn trợt.
Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết, sau tai nạn xảy ra tại Hà Nội, dù quy trình chăm sóc trẻ của bệnh viện luôn được an toàn hóa nhưng ban giám đốc cũng đã họp bệnh viện để nhắc nhở nhân viên.
“Chúng tôi yêu cầu các điều dưỡng, nữ hộ sinh phải cẩn trọng hơn khi di chuyển trẻ sơ sinh. Những hành lang, đoạn đường còn lệch, hoặc những nơi chưa bằng phẳng thì không cho phép điều dưỡng đẩy trẻ. Những đoạn khó thì phải có người giúp và bế bé”, bà Thủy nói.
Sự cố tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xảy ra vào sáng 14/7, một nữ điều dưỡng làm nhiệm vụ đón các bé từ phòng hậu sản đi tắm. Do sơ suất trong lúc đẩy xe qua đoạn dốc trước cửa phòng 32, điều dưỡng trượt chân làm nghiêng đổ xe, 5 cháu bé nằm trên xe bị ngã xuống đất. Sau khi làm các kiểm tra xét nghiệm, Bệnh viện Nhi Trung ương khẳng định không có tổn thương trên cơ thể các bé trừ một cháu có thể có dấu hiệu chấn động não. Hiện tại sức khỏe của 5 trẻ đã ổn định và có thể xuất viện.
Thiên Chương - Phương Trang