Ngày 12/7, tại trường Tiểu học Mỹ Thủy, quỹ Hy vọng, Trung tâm tình nguyện quốc gia, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lệ Thuỷ phối hợp ra quân chương trình "Trường em thay áo mới", với nguồn tài trợ từ Tập đoàn FPT. Huyện Lệ Thủy nằm ở vùng thấp trũng thường xuyên chịu ngập lụt vào mùa mưa mỗi năm, được lựa chọn là địa phương đầu tiên trong cả nước để triển khai chương trình sơn trường.
Chương trình hướng đến sơn sửa 35 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở xuống cấp, dự kiến hoàn thành trước thềm năm học mới 2022-2023. Do lũ lụt hàng năm, tại những ngôi trường này, tường của các phòng học, phòng chức năng bị ẩm mốc, bong tróc, làm mất mỹ quan sư phạm, ảnh hưởng không tốt đến vệ sinh và an toàn của học sinh. Những phòng học này sẽ được sơn lại cả nội và ngoại thất, mang đến một diện mạo mới, tươi đẹp hơn.
Bà Trần Thị Thu Hà, đại diện quỹ Hy vọng mong rằng, chương trình "Trường em thay áo mới" sẽ tạo động lực để các thầy cô giáo và học sinh có được điều kiện dạy và học tốt hơn. "Chỉ ít tuần nữa thôi, những ngôi trường bong tróc, bạc màu, rêu phong sẽ khoác lên mình chiếc áo mới sáng bừng trong nắng gió, đón các em học sinh hân hoan bước vào năm học mới", bà Hà nói.
Bà Đặng Thị Hồng Thắm, Phó chủ tịch UBND Lệ Thủy thông tin huyện rất vinh dự, vui mừng đón nhận chương trình này. "Sau kỳ nghỉ hè, các học sinh sẽ thật bất ngờ, xen lẫn niềm hân hoan vui sướng như chính các em là người mặc áo mới", bà Thắm nói. Phó chủ tịch thông tin thêm, chương trình sẽ giúp ngành giáo dục Lệ Thủy hoàn thiện cơ sở vật chất, giúp môi trường học tập trở nên khang trang, sạch sẽ hơn.
Nhân lực thực hiện dự án gồm các đội thi công chuyên môn, 23 đội hình thanh niên tình nguyện với hơn 300 đoàn viên, thanh niên huyện Lệ Thủy, và giáo viên tại các trường. Ngay sau lễ ra quân, các tình nguyện viên bắt tay vào dọn dẹp, cạo sủi, chà nhám mặt tường để trả mặt bằng sạch cho các đội thi công sơn sửa. Nhãn hàng Nippon đồng hành cung cấp các sản phẩm sơn.
Theo Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Lệ Thủy - Nguyễn Văn Vững, toàn huyện có 85 đơn vị trường học. Trận lũ lịch sử năm 2020 khiến 70% trong số đó bị ngập, ảnh hưởng cơ sở vật chất, tiến độ chương trình. "Sau mỗi trận lũ, tường ẩm, trang trí không đẹp, khiến môi trường, cảnh quan sư phạm xấu đi", thầy Vững nói. Hai năm sau trận lũ lịch sử đó, nhiều ngôi trường vẫn còn thương tích. Theo thống kê, toàn huyện có hơn 320 phòng học cần sơn sửa. Với nguồn thu ngân sách toàn huyện 380 tỷ đồng năm ngoái, "việc dành kinh phí sơn sửa lại các trường học với chúng tôi là khá khó khăn", ông Vững nói.