Xưởng gốm với tên gọi Phòng Nghệ thuật được xây dựng trong khuôn viên trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Tại đây các em học sinh khiếm thị được các họa sĩ Việt Nam cùng với nghệ sĩ gốm Thụy Điển Elisabeth Persson hướng dẫn nặn đất, tiến tới nung làm gốm. Đây cũng là nơi trưng bày sản phẩm của các em.
Sản phẩm của lớp gốm trường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Q.Hà. |
Lớp học điêu khắc dành cho trẻ khiếm thị này hiện là duy nhất tại VN. Họa sĩ Đào Ngọc Huỳnh, người trực tiếp hướng dẫn lớp học, cho biết, qua lớp học này, các em đã thể hiện khả năng tưởng tượng rất phong phú. Một số em đã có thể sử dụng tay để cảm nhận và tái tạo hình khối khá chính xác. Anh Huỳnh cho biết, các sản phẩm gốm do trẻ khiếm thị sáng tạo ra sẽ hướng chủ yếu vào hai dòng chính, là gốm trang trí để bày và gốm mỹ nghệ tinh xảo dùng làm đồ trang sức, để đeo cổ hoặc đeo tay
Học sinh khiếm thị trong giờ học nặn đất. Ảnh: Q.Hà. |
Phòng Nghệ thuật được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức Hỗ trợ phát triển Đức (DED), Lion Club (Thụy Điển). Trường Nguyễn Đình Chiểu cho biết sẽ duy trì lớp học này bằng tất cả khả năng của mình.
Hiện nay xưởng gốm mới chỉ có một số dụng cụ cơ bản. Các sản phẩm nặn phải gửi nung ở các lò gốm của làng Bát Tràng (Hà Nội).
Q.Hà