Ngày 2/10, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh ra mắt trụ sở tại Đại học Đà Nẵng. Đây là tiền đề cho việc thành lập Đại học quốc tế Việt-Anh trong tương lai. Buổi lễ ra mắt có sự tham dự của tân Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - Giles Lever; giáo sư - tiến sĩ Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo; giáo sư Julia King - Hiệu trưởng Đại học Aston, Vương quốc Anh và cũng là đại sứ doanh nghiệp của cơ quan Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh (UKTI); Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng và bà Cherry Gough - Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam, đại diện cho những đơn vị thực hiện và hỗ trợ thực hiện dự án thành lập Đại học quốc tế Việt-Anh.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh được thành lập với sự tham gia của những đối tác uy tín. Đó là Đại học Đà Nẵng - một trong những đại học vùng năng động tại Việt Nam, Đại học Aston - đại học nghiên cứu thuộc top 10 Vương quốc Anh về đào tạo ra các triệu phú tương lai, cũng như khả năng trúng tuyển của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, Viện Việt-Anh đã huy động được sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và tổ chức toàn cầu của Anh như: Rolls-Royce International, Tate & Lyle, Hội đồng Anh, Hiệp hội doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV). Những tên tuổi này là bảo đảm “vàng” cho cách tiếp cận mới trong đào tạo tại Đại học Việt–Anh (VNUK): đào tạo gắn liền doanh nghiệp.
Việc thành lập Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh là thành quả quan trọng sau khi biên bản ghi nhớ về việc thành lập Đại học Việt-Anh được ký vào tháng 1/2013 tại London và là nơi thể hiện cam kết của các bên đối tác. Gắn bó với dự án ngay từ những ngày đầu, Giáo sư Alison Halstead, Phó Hiệu trưởng Đại học Aston cho biết: "Đại học Đà Nẵng và Đại học Aston chia sẻ tầm nhìn cũng như sứ mệnh trong việc phát triển Đại học Việt-Anh". Với kinh nghiệm và đẳng cấp thế giới trong việc xây dựng các chương trình đào tạo gắn cùng nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, Aston cam kết hỗ trợ cao nhất trong việc xây dựng chương trình đào tạo, phát triển các chương trình nghiên cứu của Đại học Việt-Anh trong tương lai.
Hội đồng Anh tại Việt Nam là cầu nối giữa các đối tác Việt Nam và Anh. Thông qua Hội đồng Anh, hai đối tác doanh nghiệp lớn là Rolls-Royce International và Tate & Lyle đã hợp tác với Đại học Đà Nẵng cùng đưa ra những cam kết cụ thể. Ông David Priestley - Giám đốc điều hành Rolls-Royce International tại Việt Nam chia sẻ: "Rolls-Royce ghi nhận giá trị to lớn của hợp tác này và cho rằng đây là tiền đề của sự hình thành một đại học tiêu chuẩn quốc tế tại Đà Nẵng, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi tốt nghiệp, có khả năng đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam".
Tate & Lyle Plc - công ty toàn cầu về các giải pháp và nguyên liệu thực phẩm, đồ uống chất lượng cao, đã cam kết trao 210.000 USD học bổng dành cho các sinh viên xuất sắc từ những vùng khó khăn, cần sự hỗ trợ tài chính để theo học tại Đại học Việt-Anh trong tương lai.
Với sự năng động trong công tác xây dựng quan hệ hợp tác giữa nhà trường - doanh nghiệp, giữa Việt Nam - quốc tế, Đại học Việt-Anh là một mô hình mới, một điểm sáng trong chiến lược đổi mới giáo dục đại học của Chính phủ Việt Nam. Theo Giáo sư Trần Văn Nam - Giám đốc Đại học Đà Nẵng, những sự hợp tác đó rất quan trọng và có ý nghĩa không chỉ đối với sự phát triển của Đại học Việt-Anh, Đại học Đà Nẵng mà còn là mô hình cải cách giáo dục đại học tại Việt Nam.
Buổi tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh với chủ đề "Chuẩn bị hành trang cho sự nghiệp tương lai" được cơ quan Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh (UKTI), Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Đại học Aston và Hội đồng Anh tổ chức. Buổi tọa đàm có sự tham dự của Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam - Giles Lever, Giáo sư Julia King - Đại sứ Doanh nghiệp của cơ quan Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh và là Hiệu trưởng của Đại học Aston; ông David Priestley - Giám đốc điều hành Công ty Rolls-Royce Việt Nam; ông Edward Butt - Phó chủ tịch Công ty Tate & Lyle và khoảng 80 đại biểu đến từ các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và quốc tế.
Cuối năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu UK-ASEAN đã được thành lập với sự đầu tư của Hội đồng Anh, Đại học Aston và Đại học Đà Nẵng. Đây là nơi phát triển và vun đắp năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học trong lĩnh vực điện tử - viễn thông, công nghệ sinh học, tài chính - kế toán. UK-ASEAN cũng sẽ là đầu mối trao đổi những kết quả nghiên cứu và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu giữa Vương quốc Anh với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN.
Trên nền tảng này, Đại học Việt-Anh sẽ mở chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng nghiên cứu, phục vụ cho việc phát triển xã hội và các ngành kinh tế công nghệ cao tại Việt Nam. Định hướng nghiên cứu này phù hợp với bối cảnh thực tế khi năm 2015 đánh dấu việc mở cửa cộng đồng kinh tế ASEAN, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao sẽ tăng mạnh.
Bảo đảm thực hiện mục tiêu trên, giảng viên Đại học Việt-Anh là các giáo sư, giảng viên đến từ các đại học danh tiếng của Anh; là giáo sư, giảng viên người Việt Nam đã tu nghiệp sau đại học và công tác tại các nước có nền khoa học phát triển như Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản. Đồng thời, họ cũng là những nhà nghiên cứu khoa học xuất sắc tại Việt Nam.
Trong buổi lễ ra mắt Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt Anh, chương trình dự bị đại học ngắn hạn một năm (Foundation programme) cũng sẽ được giới thiệu. Chương trình nhằm bảo đảm sinh viên sẽ có vốn tiếng Anh đủ để nộp hồ sơ vào các đại học quốc tế hàng đầu với mục tiêu đầu ra IELTS từ 6.5 trở lên. Ngoài ra, chương trình còn trang bị những công cụ nghiên cứu cần thiết ở bậc học cao hơn cũng như những kiến thức chuyên ngành nền tảng cho các chương trình đại học và sau đại học mà sinh viên muốn theo đuổi.
Với những sinh viên theo học tại Đại học Việt-Anh, họ sẽ có cơ hội làm việc tại các công ty, tập đoàn lớn kể từ năm thứ hai. Đây là điểm khác biệt trong định hướng đào tạo của trường, khai thác những kinh nghiệm của Đại học Aston trong việc tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo cũng như xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
(Nguồn: Vũ Hải Đăng)