Người biên soạn sách - nhà thơ Nguyễn Thị Hường Lý - chọn cách giải thích từng từ, cụm từ đến cơ sở hình thành một thành ngữ, cũng như điều kiện sử dụng, cách thức tiếp nhận thành ngữ đó.
Ví dụ, với thành ngữ "dương dương tự đắc", nhà thơ Nguyễn Thị Hường Lý giải thích: "Dương dương: từ tượng hình có nghĩa là nhơn nhơn. Tự đắc: Tự cho mình là hay, là giỏi. Đây là hành động tự đắc ý, thỏa mãn với việc làm của mình mà kiêu ngạo, vênh váo với mọi người. Ý nói: vênh vang, đắc chí một cách kệch cỡm".
Thành ngữ "đánh giáp lá cà" được cắt nghĩa: "Lá cà là một bộ phận trong áo của võ quan ngày xưa. Áo này có hồng tâm làm bằng đồng nhằm che ngực, và một mảnh kim loại để che bụng, che hạ bộ. Mảnh này có hình giống chiếc lá cà nên được gọi là lá cà. Đánh giáp lá cà là đánh mặt đối mặt, lá cà của các võ quan có thể cọ xát vào nhau. Ý nói: đánh giáp mặt, quyết liệt; áp sát vào để đánh".
Sách có Hơn 300 bức tranh minh họa cho các thành ngữ. Họa sĩ Nguyễn Quang Toàn chọn lối hý họa linh hoạt, gần gũi với phong cách biếm họa báo chí để tạo câu chuyện bằng hình. Nguyễn Quang Toàn là người vẽ tiếp chuỗi cười của bộ truyện tranh Tý Quậy nổi tiếng, sau họa sĩ Đào Hải.
Kha Miên