Sách Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ được dẫn dắt mở đầu lúc Nguyễn Ánh ẩn náu ở Gia Định trước các cuộc tấn công của quân Tây Sơn, đi qua nhiều biến động về lịch sử và văn hóa, dừng lại ở cuộc Đại suy thoái 1929-1933.

Tác phẩm "Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ" do NXB Tổng hợp TP HCM và Omega+ phát hành vào tháng 9. Ảnh: NXB cung cấp
Tác phẩm có thêm gần 150 tranh, ảnh và bản đồ xưa. Tác giả Nguyễn Quang Diệu cho thấy nỗ lực trong việc việc sử dụng và chú thích tranh - ảnh một cách rõ ràng, có kiểm chứng, góp phần hỗ trợ tìm hiểu lịch sử qua tư liệu hình ảnh.
Nhắc lại câu chuyện xưa với cái nhìn toàn cảnh, tác giả nhận định dòng chảy lịch sử có thể được lặp lại. Những bài học cũ đến nay vẫn còn nhiều giá trị. Sài Gòn từng là thủ phủ kinh tế thu hút giới trí thức khắp nơi đổ về, cũng từng có giai đoạn suy thoái khiến người thành thị buộc phải dời về các vùng ven, sau đó lại trở về thời kỳ phát triển huy hoàng và đối mặt với đợt khủng hoảng mới. Qua đó, tác giả nhận ra: "Ý chí của người dân thành thị Sài Gòn không hề bị đánh gục, mọi thứ thử thách chỉ là tạm thời, trạng thái bình thường mới đang chờ họ phía trước với óc sáng suốt hiểu thời cuộc. Có sinh tồn thì phải có hy vọng".
Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn là một giai đoạn lịch sử phong phú, đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có cả những mâu thuẫn, nghịch lý và ngộ nhận. Vì vậy, việc viết về giai đoạn này cho đến nay vẫn không ngừng đem đến nhiều thách thức lẫn những khám phá.
Trong buổi tọa đàm ra mắt tác phẩm vào ngày 1/10 tại TP HCM, tác giả Nguyễn Quang Diệu nói hy vọng có thể đem đến một cuốn sách lịch sử sinh động, dễ tiếp cận với độc giả phổ thông, bằng cách "vừa đọc sách, vừa xem tranh".
Nguyễn Quang Diệu, 40 tuổi, sinh ở Tam Kỳ, Quảng Nam, hiện là trưởng ban biên tập một đơn vị làm sách ở TP HCM. Hàng chục năm sống ở Sài Gòn, tác giả cho biết xem mảnh đất này là quê hương thứ hai.

Từ trái sang: Tác giả Nguyễn Quang Diệu, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngạn Bình