Tác phẩm của nhà sử học Australia Milton Osborne, phát hành tại Việt Nam từ đầu tháng 11. Sách thuật lại chuyến thám hiểm của sáu người Pháp cùng 16 nhân sự phụ giúp, gồm Doudart de Lagrée (trưởng đoàn), La Grandière, Clovis Thorel, Lucien Joubert, Louis Delaporte, nhằm tìm hiểu về dòng Mekong và phong tục tập quán của các cụm dân cư trong lưu vực, khoảng 150 năm trước.
Milton Osborne dùng kiến thức tích lũy và tham khảo, đối chiếu nhiều nguồn khác nhau để tái hiện những mối nguy hiểm, các mâu thuẫn, sự chán nản, thành tựu của đoàn thám hiểm. Họ rời Sài Gòn ngày 5/6/1866, mang theo các thỏi vàng, tiền Mexico, tiền Thái, tổng giá trị 25.000 franc. Lương thực được đóng trong 150 thùng, gồm bánh quy, bánh mì sấy, 300 kg bột mì, 700 lít rượu vang, thùng dụng cụ khoa học.

Bìa cuốn "Con đường thủy vào Trung Hoa". Ảnh: Phuong Nam Book
Họ trải qua các đợt sốt rét, lở loét bàn chân khi băng rừng, dầm mưa. Có những lúc, nửa số thành viên trong đoàn không thể nhấc mình khỏi chỗ nằm.
Thông qua chuyến thám hiểm, Milton Osborne mô phỏng toàn cảnh lưu vực sông Mekong, tái hiện những câu chuyện về lễ hội mùa ở Lào và Campuchia, khu chợ vải ở Myanmar, tục bó chân ở Trung Quốc, yến tiệc trong cung điện ở Campuchia.
Trang Washington Post nhận định Con đường thủy vào Trung Hoa là bản tường thuật hấp dẫn, được nghiên cứu kỹ lưỡng, khắc họa sinh động một trong chuyến thám hiểm vĩ đại nhất thế kỷ 19.
Milton Osborne là sử gia nổi tiếng chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á. Ông tốt nghiệp Đại học Sydney, lấy bằng tiến sĩ Lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Cornell, Mỹ. Milton Osborne từng làm việc tại đại sứ quán Australia tại Phnom Penh, cố vấn cho Liên Hợp Quốc về vấn đề người tị nạn Campuchia.
Như Anh