Đây là mô hình hợp tác giữa Bayer Việt Nam cùng Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đối tác. ForwardFarm được xây dựng nhằm kết nối và chia sẻ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng quan hệ thúc đẩy nông nghiệp tiên tiến, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các giải pháp canh tác thông minh và bền vững.
ForwardFarm là kết quả của biên bản ghi nhớ được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Bayer ký kết vào tháng 8/2022, thống nhất hợp tác phát triển và thực hiện các sáng kiến chuyển đổi sản xuất lúa gạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gạo thu hút các thị trường xuất khẩu quốc tế, đồng thời thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Phương pháp canh tác mới giúp nông dân tiết kiệm 30 – 40% chi phí, tăng lợi nhuận. Ngoài ra bà con nông dân không cần sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường, giúp chất lượng lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Dự án ForwardFarming khuyến khích các nhà nông ứng dụng các kỹ thuật canh tác và chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao năng suất, giảm phát thải khí nhà kính, giảm tác động đến môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Anh Đỗ Trí Hùng, nhà nông đã triển khai mô hình thí điểm trên thửa ruộng 1.5 ha tại xã Đông Thuận, Thới Lai, Cần Thơ. Chia sẻ về lý do tham gia ForwardFarming, anh cho biết, những năm gần đây, bà con trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn do sâu bệnh tấn công liên tục và điều kiện thời tiết trở nên rất thất thường. Chương trình giúp nông dân quản lý và ứng phó với những thách thức trong canh tác cùng các giải pháp tiên tiến và bền vững, phù hợp với tập quán địa phương.
Cũng theo anh Hùng, khi canh tác theo phương thức canh tác cũ, mỗi công đất anh sạ khoảng 20 – 25kg lúa giống, bón 50kg phân, xịt từ 3 – 4 lần thuốc. Áp dụng mô hình ForwardFarm, lượng lúa giống chỉ còn 12kg, lúa xạ thưa hạn chế được sâu bệnh, tránh tình trạng đổ ngã, lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng cũng ít hơn. Sau khi theo mô hình mới, ruộng của anh Hùng đạt năng suất 1 tấn trên 1 ha.
Dự án triển khai tập trung vào ba mục tiêu chính: chăm sóc mùa vụ với giải pháp "Bội thu lúa Much More Rice" được thiết kế phù hợp với tập quán canh tác của nông dân địa phương; bảo vệ sức khỏe con người và tự nhiên thông qua các chương trình tập huấn về canh tác có trách nhiệm và chăm sóc sức khoẻ; thúc đẩy hợp tác cùng phát triển thông qua việc kết nối nhiều đối tác, mang đến giải pháp nông nghiệp toàn diện.
Tiến sĩ Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao nỗ lực của dự án và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cộng đồng nhà nông. "Tôi cho rằng nâng cao năng lực cho nông dân là yếu tố quan trọng hàng đầu để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Riêng chương trình ForwardFarming, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp cận hơn 100.000 nhà nông nhằm tập huấn kiến thức thực hành nông nghiệp bền vững", ông Thanh nói.
Dự án được triển khai trong ba năm với mục tiêu cải thiện thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Tomas Zaborowski, Giám đốc Phát triển Bền vững Toàn cầu của Bayer chia sẻ, sản xuất nông nghiệp ngày nay đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nhu cầu lương thực tăng trong khi diện tích đất canh tác ngày càng giảm, tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Các sáng kiến nông nghiệp bền vững sẽ giúp giải quyết các thách thức này. ForwardFarming mang đến một nền tảng thông tin và kiến thức thực hành nông nghiệp bền vững, đồng thời được thiết kế nhằm khuyến khích các đối thoại và hợp tác trong và cả ngoài ngành trên nhiều phương diện.
Trước sự kiện ra mắt, Bayer Việt Nam và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai tập huấn cho 50 cán bộ khuyến nông cùng 2.000 nhà nông tại địa phương và các khu vực lân cận về thực hành canh tác bền vững. Đây là một phần của chương trình nâng cao năng lực nhà nông địa phương trong khuôn khổ của dự án. Ngoài ra, các hoạt động còn chú trọng vào việc nâng cao vai trò quan trọng của phụ nữ trong nông nghiệp qua chuỗi tập huấn nâng cao kiến thức canh tác và về các vấn đề chăm sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Hiện tại tập đoàn Bayer có mạng lưới gồm 26 mô hình ForwardFarm tại 13 nước trên thế giới. Việt Nam sẽ là quốc gia thứ 14 và đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á triển khai mô hình này. Chương trình sẽ giúp nhà nông nâng cao chất lượng và năng suất canh tác theo cách bảo tồn thiên nhiên và môi trường.
Yên Chi