Tôi sinh ra tại một xã nghèo của Ninh Bình. Bố bỏ mẹ đi theo người đàn bà khác khi tôi còn đỏ hỏn. Mẹ tôi vất vả đi làm công nhân cho nông trường chè để kiếm tiền nuôi tôi.
Vì vậy, khi mới lên 5, lên 6, tôi đã phải tự mình nấu cơm, rửa bát. Tôi nhớ, có lần khi nấu cơm tôi mải chơi không để ý nên đã để cỏ bén cháy hết luôn cả một gian bếp.
Lớn lên, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, tôi thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhưng bị rớt. Tôi quyết định vào tỉnh Bình Phước đi nhặt hạt điều và cạo mủ cao su thuê.
Chủ cơ sở đã dựng cho tôi một cái lều ở vườn điều vắng vẻ cho tôi “tạm trú”. Công việc hằng ngày của tôi là nhặt hạt điều, sau đó đóng bao bì, xếp gọn gàng. Cứ 4 ngày sẽ có người thu mua vào gom hàng, đồng thời cũng tiếp tế lương thực cho tôi. Có những lần, người ta vào nhưng lại quên không mang thức ăn cho tôi, thế là tôi phải ra rẫy cà phê bẻ quả dứa non cho vào nồi nấu để ăn.
Cái lều của tôi ngày nắng còn đỡ, chứ mỗi lần trời mưa là y như rằng tôi bị ướt nhẹp, thế là tôi phải thức suốt đêm vì lạnh. Giữa vườn điều rộng lớn lại không một bóng người, một tiếng chim kêu cũng đủ khiến tôi khiếp sợ. Cho nên mỗi khi ngủ tôi hay giật mình gọi mẹ, tỉnh giấc lại tủi thân, ngồi mà khóc ròng.
Tôi cầm cự được 6 tháng. Sau đó, thấy mình không thể nào tiếp tục sống cuộc sống này được nữa, đồng thời, ý nghĩ và sự quyết tâm muốn được đi học tiếp trỗi dậy trong tôi mãnh liệt, tôi quyết định quay trở về quê.
Nhưng khi về đến Ninh Bình, tôi lại rơi vào trạng thái hoang mang, không biết mình nên học gì vì nhà tôi nghèo quá mà cũng không ai định hướng cho tôi về nghề nghiệp cả.
Một lần, cậu bạn học chung thời trung học đến nhà chơi, cậu ấy cho biết mình đang theo học lớp trung cấp thú y và được tỉnh hỗ trợ, không mất tiền học phí.
Mừng quá, tôi quyết định nộp hồ sơ xét tuyển. May thay tôi được nhận vào học. Với lợi thế nhà đất đồi núi rộng, ngay từ năm đầu khi còn học, tôi xin mẹ cho chăn nuôi đàn lợn 11 con.
Nhưng ngày đó, cả làng tôi không có ai nuôi quá 2 con lợn. Mọi người chỉ nuôi để tận dụng thức ăn thừa và rau củ trong vườn nhà. Cho nên khi tôi ngỏ lời xin được nuôi đàn lợn con đó, mẹ tôi nhất quyết không đồng ý vì không có thức ăn chăn nuôi, kinh nghiệm không có, chuồng trại cũng không.
Tôi thuyết phục mẹ không được liền quay sang năn nỉ cô hàng xóm - người bạn thân với mẹ để nhờ cô ấy nói hộ với mẹ dùm tôi. Cuối cùng, mẹ cũng xiêu lòng cho tôi nuôi 11 con lợn ấy ở ngăn bếp.
Do thức ăn không nhiều nên tôi và mẹ thường phải đi hái rau dại về nấu cho lợn ăn. Nhiều lần lợn mắc bệnh, tôi đã tự tìm tòi, học hỏi từ thầy cô giáo để điều trị cho chúng hết bệnh.
Ngày tôi và mẹ bán lợn, cả xóm đều vui mừng với sự thành công của mẹ con tôi. Lần đó, tôi và mẹ thu về khoản lãi rất cao. Nhờ tạo được uy tín bước đầu, sau đợt đó, mẹ đồng ý cho tôi xây chuồng trại lớn hơn với diện tích nuôi 70 đến 80 con lợn thịt theo hình thức dân dã.
Cứ như thế, tôi tốt nghiệp lớp trung cấp thú ý rồi xin vào trại giống làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Tôi đã áp dụng những kiến thức mình học được vào thực tiễn trang trại nhà tôi. Những thành công nho nhỏ bước đầu đã giúp tôi trở thành gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Đó chính là động lực để thúc đẩy tôi đi tới, chứ không chịu "dậm chân tại chỗ".
Tôi đã để lại việc chăn nuôi cho mẹ tôi và em trai tôi trông coi, quyết tâm ra Hà Nội lập nghiệp. Ngày ấy, "gia tài" tôi mang theo chỉ có 700.000 nghìn đồng và một chiếc xe máy.
Ở Hà Nội, tôi may mắn được nhận vào làm việc ở một công ty viễn thông. Và sau 6 năm gắn bó, phấn đấu, cố gắng vừa làm vừa học thêm về quản trị kinh doanh, hiện tại, tôi đã là một trưởng phòng. Tôi có trong tay một gia đình hạnh phúc, một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi và cả một trang trại chăn nuôi phát triển rất tốt ở quê.
Trong bài viết này, tôi không thể kể tường tận được những khó khăn mà tôi đã phải nỗ lực để vượt qua. Song, tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng: “Bạn hãy làm nếu mình muốn và đừng quan trọng việc mình học gì, mình xuất thân từ đâu. Hãy bước đi trên đoạn đường dài, và đừng hỏi nó dài bao nhiêu, mà nên hỏi mình đã vượt qua được bao nhiêu đoạn đường đầy đèo dốc và khó khăn, để biết mình rằng mình đã thành công như thế nào khi về đến đích”.
>> Xem thêm: Học hết lớp 7 làm lương 15 triệu ở Sài Gòn
Trần Minh Tuấn
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống, xã hội tại đây.