Chiều 26/4, TAND Hà Nội tuyên phạt bị cáo Tuấn Anh, 55 tuổi mức án trên về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, phiên toà mở ngày 30/3 từng bị hoãn vì lý do sức khoẻ bị cáo.
Cáo trạng xác định, tháng 8/2012, bị khởi tố điều tra về hành vi buôn lậu xăng dầu cùng một số người nước ngoài, Nguyễn Văn Thành, 50 tuổi bỏ trốn sang Hải Nam (Trung Quốc) và bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã.
Thành liên lạc với vợ để nhờ người quen giúp "chạy án" cho mình và đồng bọn được tại ngoại.
Qua quan hệ xã hội, vợ Thành đến gặp Đặng Thị Tuấn Anh, người chỉ là lao động tự do song nói dối quen biết lãnh đạo Bộ Công an. Tuấn Anh hứa sẽ giúp được việc của vợ chồng Thành, chi phí một triệu USD.
Hai bên thoả thuận, Tuấn Anh sẽ giúp Thành không bị xử lý hình sự trong vụ án, đồng phạm được thả sau khi hết thời hạn tạm giam, tức hết tháng 12/2012. Đổi lại, vợ Thành sẽ phải chuyển tiền "chạy án" mỗi khi Tuấn Anh yêu cầu.
Vợ Thành sau đó ba lần đưa tiền cho Tuấn Anh, tổng 300.000 USD (tương đương 6,2 tỷ đồng tại thời điểm diễn ra vụ án) và đều có biên nhận. Tháng 3/2013, vợ Thành bốn lần đến đòi lại tiền do thấy "không được việc" song Tuấn Anh không trả và bỏ trốn.
Sau bảy năm, Tuấn Anh tới cơ quan điều tra đầu thú, tháng 6/2020.
Tại phiên xét xử hôm nay, bị cáo nhiều lần phủ nhận hành vi, nói không chiếm đoạt 300.000 USD của vợ Thành, cũng không hứa hẹn gì "chạy án". Tuấn Anh khai số tiền trên vay của vợ Thành để "làm ăn buôn bán" và đã trả đầy đủ.
"Nhưng vì tình chị em thân thiết, tin tưởng, khi trả tiền, bị cáo không viết giấy biên nhận", Tuấn Anh khóc, đổ lỗi cho bị hại "nguỵ tạo tài liệu" đổ oan cho mình.
Khi VKS công bố lời khai trong bản đầu thú, cho thấy đã thừa nhận toàn bộ hành vi như truy tố, Tuấn Anh ban đầu nói "khi đó quá bối rối, khai gì không nhớ". Sau đó, bị cáo phủ nhận, nói "đó là ai khác, chứ chưa bao giờ khai như vậy". Được cho xem chữ ký trong biên bản, Tuấn Anh im lặng.
Về cáo buộc trốn truy nã, Tuấn Anh khai có nhận được giấy triệu tập lên làm việc với cơ quan điều tra song không tới do "thấy không làm gì sai" và "do sức khoẻ kém". Trước thái độ của bị cáo, HĐXX nhắc nhở khai báo thành khẩn, nhất quán, để được hưởng các tỉnh tiết giảm nhẹ.
Vợ chồng Thành có mặt tại phiên xét xử với tư cách bị hại, xác nhận chưa được trả lại 300.000 USD như bị cáo khai. "Nếu chị ấy trả rồi, tôi mất công đi lại, đi kiện cáo làm gì nữa", vợ Thành nói, yêu cầu được trả số tièn đã chiếm đoạt.
Tháng 12/2017 trong phiên phúc thẩm tại TAND cấp cao tại Hà Nội, Thành bị tuyên phạt 3 năm tù treo về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
HĐXX nhắc nhở, vụ án xảy ra một phần do lỗi của bị hại. Việc đưa tiền nhờ "chạy án" là không đúng với quy định pháp luật, tiếp tay cho các hành vi lừa đảo. "Nếu bị hại đường đường chính chính chịu trách nhiệm trước pháp luật, từ chối việc dùng tiền để "lo lót" thì hôm nay, không ai có mặt trong phiên toà này", chủ toạ phân tích.
Hải Thư