Trong thập niên qua, số lượng côn trùng trên thế giới giảm hơn 41%. Trong số đó, bướm giảm 53%, ong giảm 46% và một phần ba số loài côn trùng khác có nguy cơ tuyệt chủng, ảnh hưởng tiêu cực đến một phần ba lượng thực phẩm của con người vì chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho cây trồng.
Một trong những nguyên nhân khiến côn trùng suy giảm là do lạm dụng các loại thuốc trừ sâu không đặc hiệu. Chúng diệt cả các loài sâu rầy gây hại và thiên địch có lợi, phá hủy môi trường sống, làm giảm đa dạng sinh học và mất cân bằng sinh thái. Hơn nữa, thuốc trừ sâu cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và làm tăng chi phí sản xuất.
Mong muốn của chúng tôi là giảm dần và tiến tới loại bỏ việc sử dụng thuốc trừ sâu trong canh tác nông nghiệp, giúp nông sản Việt Nam sạch hơn, không còn nhiễm hóa chất độc hại, đồng thời, giúp người nông dân bớt tổn hại sức khỏe và có thu nhập tốt hơn.
Bản đồ giám sát côn trùng được xây dựng chủ yếu dựa trên việc thu thập dữ liệu sâu hại và thiên địch hàng ngày từ các trạm giám sát côn trùng thông minh (IMS), lắp đặt trên ruộng lúa, vườn cây ăn trái và rừng cây công nghiệp.
Trạm IMS được sản xuất bằng thép không gỉ có hàng rào bảo vệ bao quanh và vận hành tự động bằng năng lượng mặt trời. Chúng bao gồm tấm năng lượng mặt trời, pin-lithium, đèn LED, buồng lấy mẫu, camera-AI, bộ phận vệ sinh buồng lấy mẫu. Trạm IMS còn được trang bị thêm hệ thống khí tượng bao gồm thiết bị đo lượng mưa, nắng trời, tốc độ và hướng gió, cùng nhiệt độ và độ ẩm không khí. Tất cả bộ phận trên được kết nối và vận hành đồng bộ với hệ thống máy tính điện toán biên chuyên dùng cho giám sát côn trùng từ xa.
Kết hợp với dữ liệu viễn thám về mùa vụ, nhật ký canh tác và thông tin thời tiết, chủng loại và số lượng côn trùng có thể được dự báo trước 12 ngày với độ chính xác cao.
Đến cuối năm 2023, chúng tôi đã lắp đặt được 79 trạm IMS, tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2020, tổ chức IFAD-AMD Trà Vinh tài trợ lắp đặt 10 trạm IMS trên những cánh đồng lúa ở Trà Vinh.
Trong canh tác lúa, rầy nâu (BPH) gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá làm thiệt hại lớn về kinh tế cho nông dân. Bọ xít mù xanh (MRB) là thiên địch của rầy nâu. Mỗi ngày, một con bọ xít mù xanh có thể ăn 7-10 trứng và 1-5 con rầy nâu. Nông dân ở đây dùng điện thoại di động để truy cập thông tin về BPH và MRB. Họ được khuyến cáo không phun thuốc trừ sâu khi tỷ lệ BPH/MRB trung bình hàng tuần dưới 2. Từ năm 2021 đến 2023, các hộ nông dân có ruộng ở gần các trạm IMS Trà Vinh không còn phun thuốc trừ BPH, tổng số lượng trung bình BPH giảm 65,5 % và MRB tăng 269,4%. Kết quả tương tự cũng được ghi nhận ở Đồng Tháp, Sóc Trăng và các tỉnh khác trong 3 năm vừa qua.
Trong lúc cuộc chiến chống rầy nâu đang tiến triển thuận lợi, chúng tôi và những người nông dân đối đầu một vấn đề khác là nạn mất trộm thiết bị công nghệ số.
Dù có hàng rào bảo vệ xung quanh, tất cả ba trạm IMS lắp đặt trên địa bàn huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang bị mất cắp pin-lithium, camera-AI và các linh kiện điện tử quan trọng khác. Kẻ trộm phá rào, tháo rời các chi tiết, linh kiện điện tử rồi mang bán tại các chợ trời, cửa hàng công nghệ, với giá 1-2 triệu đồng cho mỗi thiết bị.
Trong khi đó, cả hệ thống IMS trị giá hàng trăm triệu đồng. Thiếu thiết bị, máy không thể hoạt động và việc thu thập dữ liệu côn trùng bị gián đoạn, ảnh hưởng rất lớn đến việc dự báo và cảnh báo trước tình trạng bùng phát dịch bệnh trên lúa và cây trồng do sâu hại gây ra. Việc này cũng làm gián đoạn quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về côn trùng của từng địa phương.
Các trạm IMS đều đặt giữa ruộng hay trên các diện tích lớn, không sức người nào từ lực lượng an ninh có thể giám sát nổi những "kẻ cắp cánh đồng".
Gần đây, chúng tôi tự tài trợ kinh phí để khôi phục lại những trạm IMS này và cài đặt thêm mạch GPS vào những bộ phận thường bị trộm cắp. Hy vọng, giải pháp này sẽ khiến kẻ xấu nhanh chóng bị phát hiện.
Giải pháp khác, về lâu dài, theo tôi là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi lợi ích của mạng lưới giám sát côn trùng tới cộng đồng, tới chính mảnh ruộng của mỗi người nông dân. Một khi nhận thức, kiến thức và trách nhiệm của toàn thể người dân địa phương được nâng cao thì nạn trộm cắp tài sản công sẽ giảm bớt.
Theo đà chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện nay, những ngày sắp tới sẽ có hàng trăm nghìn thiết bị công nghệ số được lắp đặt trên đồng ruộng để tự động thu thập dữ liệu về hiện trạng của đất, nước, cây trồng, côn trùng, thời tiết... Các trạm IMS sẽ không phải là mục tiêu duy nhất được nhắm tới của những kẻ ra đồng ăn trộm.
Nhân nhượng với hành vi ăn cắp thiết bị số tức là chấp nhận để cái lợi nhỏ nhặt của kẻ trộm đánh đổi bằng thiệt hại rất lớn của cộng đồng. Mọi nỗ lực đưa công nghệ số về trên cánh đồng sẽ trở nên như muối bỏ biển.
Nguyễn Thanh Mỹ