Trong căn phòng làm việc rộng chưa tới 6m2, Trung tướng Phạm Hồng Cư say sưa kể, vẽ sơ đồ chiến dịch Điện Biên Phủ. Chốc chốc, vị tướng đã ngoài 80 phải ngừng lại lấy sức.
- Thực dân Pháp đã có sự chuẩn bị và tổ chức rất kỹ lưỡng với mục tiêu lôi kéo quân chủ lực của ta vào trận địa Điện Biên Phủ để tiêu diệt. Tại sao nắm rõ ý đồ của địch mà quân ta vẫn quyết đánh, thưa trung tướng?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
- Việc xây dựng "tập đoàn cứ điểm" ở Điện Biên Phủ là hình thức cuối cùng của Pháp nhằm chống lại quân Việt Minh sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường. Có 2 lý do khiến quân ta quyết tâm đánh và tiêu diệt cứ điểm Điện Biên. Thứ nhất, với kế hoạch này, thực dân Pháp đặt ta vào thế buộc phải đánh. Nếu không, địch sẽ dần chiếm lại những địa bàn mà ta hi sinh bao nhiêu xương máu giành giật được trước đó. Thứ hai, toàn Đảng, toàn quân ta lúc đó xác định, muốn thắng lợi trong cuộc kháng chiến thì chỉ bằng cách tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm, tạo cán cân có lợi trên bàn đàm phán Geneva.
Tuy được nhiều chuyên gia quân sự đánh giá bất khả xâm phạm nhưng việc Pháp xây dựng cứ điểm ở Tây Bắc lại chính là thời cơ cho ta. Với đặc điểm là một lòng chảo nằm biệt lập trên vùng núi cao Tây Bắc, nếu bao vây và cắt được đường tiếp tế hàng không, Điện Biên Phủ sẽ bị cô lập. Lúc đó, quân ta hoàn toàn có khả năng tiêu diệt cứ điểm này. Thực ra, nếu có một Điện Biên Phủ ở đồng bằng, tình thế sẽ khó khăn hơn cho quân ta nhiều. Sau khi nhận định rõ tình hình, Bộ Chính trị và Bác Hồ đã hạ quyết tâm phải đánh.
- Suốt nhiều tháng trời chúng ta xây dựng phương án "đánh nhanh thắng nhanh". Vậy tại sao đến thời điểm quyết định, 50.000 quân đã dàn trận, đạn đã lên nòng chỉ chờ hiệu lệnh tấn công, ta lại chuyển sang "đánh chắc thắng chắc"?
- Ban đầu chúng ta vạch ra kế hoạch "đánh nhanh", nghĩa là lợi dụng lúc quân địch đứng chân chưa vững ập vào tấn công cả 4 mặt và có một mũi thọc sâu. Đây là gọi là "oa tâm chiến thuật", đánh thẳng vào trung tâm - sở chỉ huy của tướng De Castries. Vào thời điểm thay đổi phương án, kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Tuy nhiên, sau khi thị sát nắm rõ tình hình thực địa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định thay đổi. Lý do là đánh nhanh không chắc thắng. Chỉ trong thời gian ngắn, địch đã tăng cường không phải là lâm thời phòng ngự nữa mà đã trở thành tập đoàn cứ điểm kiên cố. Trong khi đó, trình độ thực tế của bộ đội Việt Nam lúc bấy giờ chưa thể áp dụng được cách đánh nhanh thắng nhanh.
Hàng chục khẩu pháo vượt đèo lôi suối sẵn sàng nhả đạn đã được rút trở ra sau khi phương án tấn công thay đổi. Ảnh tư liệu. |
Hơn nữa, lực lượng của ta xây dựng trong những năm kháng chiến, lúc đó bước vào năm thứ 8 mới có sáu đại đoàn, trừ Đại đoàn 320 ở đồng bằng và Đại đoàn 325 ở Trung bộ, còn lại bốn đại đoàn bộ binh 304, 308, 312, 316 tập trung hết ở Điện Biên Phủ và một Đại đoàn công pháo mới thành lập, lúc này ta được chi viện 24 khẩu pháo 105 và 24 khẩu cao xạ. Toàn bộ chủ lực xây dựng trong 8 năm kháng chiến đều dồn hết vào trận đánh này. Nếu trận này ta thua thì coi như hết vốn.
- Khi thay đổi cách đánh vào thời khắc cuối cùng đó, chắc hẳn áp lực sẽ là rất lớn đối với người ra quyết định?
- Đây là một quyết định dũng cảm và sáng suốt. Đại tướng gần như đã đi ngược lại quan điểm của cố vấn nước bạn và Đảng ủy lúc đó. Ông dám nghĩ, dám quyết định và dám chịu trách nhiệm.
Theo tôi, đưa ra quyết định này trước hết bắt nguồn từ lời dặn, cũng là tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Trước khi lên đường ra mặt trận, Bác dặn Đại tướng: "Trận này rất quan trọng, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì không đánh". Các nhà sử học sau này bình luận, lời dặn của Bác rất có ý nghĩa bởi thời điểm lúc đó sắp họp hội nghị Geneva, nếu thắng trận này sẽ tác động lớn đến tình hình và hội nghị.
Tôi biết, hơn chục ngày đêm suy nghĩ để theo dõi tình hình trước quyết định, Đại tướng hầu như không ngủ được. Ông suy nghĩ liên miên đến mức đầu bốc hỏa bừng bừng, làm cho đồng chí y sĩ phải buộc nắm ngải cứu lên trán cho nhẹ bớt. Về sau, Đại tướng có kể lại việc này trong cuốn "Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử" ở chương "Quyết định khó khăn". Và tôi biết, đây là quyết định khó khăn nhất trong đời chỉ huy của ông.
- Với thay đổi như vậy, các vấn đề khác như lương thực, vận chuyển vũ khí... được xử lý như thế nào?
- Đây là điểm thể hiện rõ nhất tính chất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một cuộc chiến tranh nhân dân. Toàn bộ sức dân gần như đã được huy động vào thời điểm đó. Vùng tự do Thanh Hóa, Thái Bình... hay bà con ở Tây Bắc đã vét sạch gạo, ngô cho bộ đội, đến nỗi trong nhà không còn một hạt. Hàng vạn người dân đi dân công hỏa tuyến, hỗ trợ đắc lực cho bộ đội ta...
Quả thực, nếu không có sức dân, chiến dịch không thể nào tiến hành chứ chưa nói đến việc giành thắng lợi.
Với Trung tướng Phạm Hồng Cư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người anh cả mẫu mực của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
- Theo ông, nếu lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp không thuyết phục được cố vấn, Đảng ủy và kế hoạch "đánh nhanh" vẫn được thực hiện thì liệu kết quả trận đó như thế nào?
- (cười) Nói một cách dễ hiểu, nếu vẫn theo phương án ban đầu, thế hệ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ như chúng tôi chắc không còn ai sống đến ngày hôm nay. Với hỏa lực mạnh và thế trận chủ động phòng ngự của địch, nếu cố đánh nhanh, giải quyết nhanh thì chúng ta sẽ gánh lấy kết cục bi thảm. Điện Biên Phủ sẽ trở thành cái "cối xay thịt" thực sự với quân ta. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chưa biết lúc nào mới kết thúc.
Sau này, nhân dịp 10 kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số tư lệnh đại đoàn mới dám bày tỏ với với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ý nghĩ của mình. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói rằng, nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ. Còn đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ bộc bạch: "Tôi nghĩ, nếu lần đó cứ đánh nhanh, giải quyết nhanh thì cuộc kháng chiến có thể phải kéo dài thêm 10 năm".
- Vậy theo ông, điểm mấu chốt làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là gì?
- Các nhà nghiên cứu đưa ra nhiều yếu tố dẫn đến thắng lợi lịch sử này như sự đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế... Nhưng tất cả đều đồng ý với nhau ở một điểm, yếu tố quyết định chính là cách đánh, là phương án "đánh chắc thắng chắc" mà ta kịp thời áp dụng. Nói một cách chính xác thì điểm mấu chốt nằm ở quyết định thay đổi khó khăn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
- Là một trong không nhiều những nhân chứng còn lại của chiến dịch Điện Biên Phủ, điều gì khiến ông cảm nhận rõ nhất cho đến ngày hôm nay?
- Bất cứ người cựu chiến binh nào đến dịp kỷ niệm như thế này đều trào dâng niềm vui, phấn khởi và cả nỗi nhớ. Như tôi, những ngày này, tôi nhớ người anh trai hi sinh ngay trước khi ta bắt sống tướng De Castries chỉ vài giờ, nhớ những gương mặt đồng đội đã không còn... Một niềm vui chiến thắng đi liền với nỗi đau mất mát. Chiến tranh là thế...
Sinh năm 1926, lúc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trung tướng Phạm Hồng Cư là Phó chính ủy Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308, trấn giữ cánh đồng phía tây Điện Biên. Ông cũng vinh dự được tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 với tư cách Cục trưởng Cục Văn hoá, Phái viên Tổng cục Chính trị. |
Nguyễn Hưng