-
-
-
- Xin chào Phó thủ tướng. Trước hết, tôi xin có lời cảm ơn ông với tư cách là trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Tôi đọc lại báo thấy đúng ngày này cách đây một năm ông đi kiểm tra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và ngày hôm sau thì Việt Nam công bố ca bệnh đầu tiên. Xin hỏi, có phải ông đã biết trước về ca bệnh này? Ông có thể kể lại thời điểm ông nhận được thông tin về ca nhiễm nCoV tại Việt Nam? Xin cảm ơn Phó thủ tướng. (Nguyễn Thanh Tùng, 54 tuổi, TP HCM)
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Xin kính chào quý vị độc giả. Trước khi trả lời anh cho phép tôi nói trước mấy lời:
Cho dù một số nước đã bắt đầu tiêm vaccine nhưng dịch bệnh còn phức tạp. Trong thời gian ngắn, ít nhất nửa năm tới đây ta chưa thể có vaccine cho số đông người được. Vì vậy ta phải rất rất cảnh giác các biện pháp phòng dịch vì đã xuất hiện các biến thể mới.
Trước hết là phải ngăn chặn triệt để nguồn bệnh từ nước ngoài vào. Phải kiểm soát chặt chẽ nhập cảnh. Ngoài lực lượng biên phòng, công an thì toàn dân cần tham gia ngăn chặn nhập cảnh trái phép qua đường bộ, đường thủy. Gia đình nào có người thân ở nước ngoài cần khuyên người thân thực hiện các quy định của nước sở tại, nếu thực sự cần phải về nước thì về qua các cửa khẩu chính thức và thực hiện cách ly theo quy định. Nhà nước không thu phí cách ly. Ngoài ra nhân dân trong cả nước khi phát hiện có người có dấu hiệu từ nước ngoài về cần báo với y tế, công an, chính quyền cơ sở, vì nếu chúng ta để lọt mầm bệnh vào cộng đồng rất nguy hiểm.
Thứ hai là các biện pháp trong cộng đồng. Xã hội cần luôn ý thức là dịch bệnh đang rình rập. Lơi lỏng để dịch bệnh bùng phát, lan rộng thì hệ thống y tế nước ta không thể chịu nổi và toàn bộ nỗ lực phát triển kinh tế sẽ đổ bể. Cần thực hiện rất nghiêm các khuyến cáo của Bộ Y tế, tất cả cơ sở từ y tế trường học đến giao thông, lưu trú, nhà máy, xí nghiệp phải thực hiện rất nghiêm khuyến cáo phòng chống dịch. Phải tự đánh giá các biện pháp của mình, cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19. Những hệ thống thông tin và thói quen thực hành này không chỉ giúp ta chống Covid-19 lần này, mà về lâu dài sẽ giúp chúng ta đối phó với các dịch bệnh và sự cố an ninh phi truyền thống một cách hiệu quả hơn.
Bây giờ xin phép quay lại câu hỏi của anh. Cảm ơn tình cảm của anh và một số độc giả khác dành cho những người trực tiếp làm như chúng tôi. Đây là kết quả chống dịch ngày hôm nay là sự góp sức của cả Việt Nam chúng ta. Anh em chúng tôi ở đây chỉ làm đúng phận sự của mình.
Đối với nghi ngờ là có biết trước không, tôi được nghe nhiều người hỏi tôi trực tiếp rồi. Tôi xin khẳng định là không biết trước gì cả. Chiều ngày 23/1 tôi mới được báo là có 2 bệnh nhân ở BV Chợ Rẫy có biểu hiện khá đặc trưng của bệnh này và đang được xét nghiệm. Anh em ở Pasteur TP HCM đang xét nghiệm, 6h tối thì có kết quả. Câu chuyện như vậy, hoàn toàn không phải là biết trước rồi mới đi kiểm tra bệnh viện để rồi hôm sau công bố.
-
-
- Giới y tế Việt Nam biết được thông tin về virus mới này từ khi nào, đánh giá nó thế nào, thưa thứ trưởng?
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn: Ngành y tế Việt Nam luôn trong tâm thế là nước nhiệt đới, phải đối phó dịch. Do đó, với tất cả tình trạng dịch bệnh, nước ta đều xây dựng y tế dự phòng, cảnh báo, theo dõi tình hình nhiễm bệnh lý thông qua phối hợp với các tổ chức y tế thế giới.
Giữa tháng 12, khi Phó thủ tướng đang dẫn dắt, Bộ Y tế đã tiếp nhận thông tin về ca bệnh ở Vũ Hán. Lúc đầu, nhận thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, ban đầu nước bạn công bố bệnh không có khả năng lây từ người sang người. Nhưng theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới và dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã kích hoạt hệ thống y tế, theo dõi tại Trung Quốc và xây dựng biện pháp phòng chống, đồng thời xây dựng biện pháp ngăn chặn và tâm thế điều trị.
Vào ngày 16/1/2020, chúng ta ban hành bản hướng dẫn điều trị Covid-19. Ngày 23/1/2020, tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên và chủ động điều trị dù bản chất virus, đường lây và biện pháp điều trị còn nghèo nàn.
-
- Phó thủ tướng vừa nói là "không biết trước", nhưng tôi lại thấy đợt đó, rộ lên thông tin là Việt Nam đã nhận được thông tin tình báo về dịch bệnh ở Trung Quốc nên đã chuẩn bị sớm hơn. Ông có thể nói cụ thể hơn được không? (Nguyễn Thành Lê, Vĩnh Phúc)
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi khẳng định là chúng ta không có thông tin gì thêm ngoài những thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới và cơ quan y tế các nước.
Đúng là chúng ta đã rất chủ động ngay từ ban đầu. Thực ra, gần như là một sự trùng hợp. Cuối tháng 11 tôi được giao nhiệm vụ tiếp quản công việc từ chị Tiến. Khi đó Bộ chỉ có hai Thứ trưởng, không ai phụ trách mảng dự phòng. Cục trưởng Cục y tế dự phòng cũng khuyết.
Tôi phụ trách khối Khoa Giáo Văn Xã đã lâu nên hiểu rõ tầm quan trọng của y tế dự phòng, cụ thể là phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tại buổi họp giao ban đầu tiên ở Bộ Y tế vào ngày 5/12 có đầy đủ lãnh đạo các Cục Vụ trong Bộ, tôi đã yêu cầu là thiết lập ngay cơ chế chuyên gia giúp Bộ trưởng phòng chống dịch.
Thú thực lúc đó tôi nghĩ phải ngồi vào ghế Bộ trưởng mà bên cạnh không có Thứ trưởng, không có cả Cục trưởng phụ trách chống dịch, nếu không có phương án sớm mà ngộ nhỡ có dịch thì gay go.
Vì vậy tôi dành nhiều thời gian để gặp gỡ, trao đổi với các anh chị có kinh nghiệm chống dịch trước kia. Đặc biệt qua giới thiệu tôi đã được nói chuyện cả với một số anh chị tham gia chống dịch SARS ngày xưa. Nhờ vậy nên mình cũng được anh chị em chỉ bảo, hướng dẫn thêm nhiều kiến thức. Sau này khi có dịch xảy ra quả thực tôi không thấy bị quá bất ngờ hay bỡ ngỡ.
Tôi cũng đã theo dõi chống dịch nhiều năm và hiểu nhiều khi "nuôi quân ba năm chỉ dùng một giờ".
Quay trở lại những ngày đó. Tôi nhớ là giữa tháng 12, ngày 17/12 tôi đã ký văn bản đầu tiên về tăng cường phòng chống dịch mùa đông. Đầu tháng 1, Trung Quốc và WHO thông báo về ca nhiểm bệnh viên phổi lạ ở Vũ Hán thì anh em trong Bộ Y tế đã bàn các biện pháp ứng phó nếu dịch ở Vũ Hán lây lan ra. Khoảng giữa tháng 1, tôi nhớ ngày 13/1 thì phải, Thái Lan công bố có ca nhiễm đầu tiên ngoài Trung quốc. Khi đó chúng tôi đã xác định Thái Lan có thì Việt Nam hoàn toàn có thể có. Sau đó lần lượt là Nhật Bản rồi Hàn Quốc. Hàn Quốc là nước thứ 3 công bố vào ngày 20/1 nên ngay sau khi nghe tin Hàn Quốc chúng tôi đã thực sự coi như Việt Nam chắc chắn hoặc đang có rồi sẽ có. Ngày 21/1 chúng tôi họp đánh giá tình hình, rà soát các khâu, các phương án. Đó có thể coi là cuộc họp đầu tiên về chống dịch Covid-19. Mà lúc đó còn chưa có tên này. Sáng 22/1 chúng tôi đi kiểm tra khâu cuối là điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Độc giả vừa hỏi, đúng là sáng trước đi kiểm tra thì hôm sau công bố bệnh.
Tới khoảng 4h chiều ngày 23/1 tôi được báo là có 2 cha con người Trung Quốc đang nằm ở Bệnh viên Chợ Rẫy, người cha đến từ Vũ Hán có những biểu hiện đặc trưng của bệnh này và đang được xét nghiệm. Anh em nói khoảng 6h sẽ có kết quả ban đầu. Khi đó, anh em chuyên môn nói là Việt Nam vẫn đang đợi mồi thử nước ngoài tài trợ nên dù có dương tính thì phải đợi hoặc gửi mẫu bệnh phẩm ra nước ngoài để xác định rồi mới công bố được.
Hôm đó đã là ngày 29 Tết. Trong đầu tôi phản ứng ngay là nếu đợi mồi từ nước ngoài hay gửi mẫu nước ngoài thì cả tuần mới có kết quả. Trong Tết nếu đã có ca bệnh trong cộng đồng mà chưa công bố để nhân dân cảnh giác thì nguy to.
Nếu công bố, mà sau có nhầm thì với bên ngoài cũng vẫn có thể nói khó "thanh minh" với WHO. Còn bên trong cùng lắm bị phê bình, bị đánh giá là thiếu chín chắn mà thôi. Tôi gọi điện hỏi các bộ phận chức năng và chuyên gia thì đều nói là chưa thể công bố được. Tôi trực tiếp gọi điện hỏi anh Lân Viên trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh là nơi đang làm xét nghiệm. Anh Lân giải thích về chuyên môn rất sâu. Tôi nghe không hiểu cặn kẽ hết nhưng tôi thấy có lòng tin. Tôi cân nhắc một lúc và đi đến quyết định.
Tôi điện thoại cho anh Sơn khi đó mới xuống máy bay về TP HCM từ Diễn đàn Kinh tế Davos, lúc đó độ 4h. Tôi nói anh Sơn tạm ngủ bù chưa, đi kiểm tra bệnh viện ngay, căn giờ khoảng 6h có mặt ở BV Chợ Rẫy và nhớ cho báo chí dự để nếu có kết quả thì cứ công bố luôn.
Sáng hôm sau, Bộ Y tế họp có cả WHO dự. Chúng tôi đã chính thức kích hoạt Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế cộng đồng của Việt Nam, mời GS Trần Đắc Phu làm cố vấn cấp cao của Trung tâm. Tại cuộc họp có ý kiến cho rằng lẽ ra Việt Nam chưa được công bố có ca nhiễm. Tôi cũng giải thích thời điểm sát Tết.
Tại cuộc họp đó, chúng tôi đã phân tích và cũng nhận được sự chấp thuận của WHO về việc Việt Nam dừng các chuyến bay từ vùng có dịch, áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh từ Trung Quốc. Mặc dù khi đó WHO khuyến nghị là không ngừng giao thương, đi lại và cũng chưa có nước nào yêu cầu khai báo y tế bắt buộc. WHO nhận định bệnh này là "lây nhiễm hạn chế" nhưng chúng ta cũng thuyết phục và áp dụng cơ chế với bệnh "lây nhiễm". Ngay từ đầu, chúng ta đã đi sớm hơn một bước và áp dụng cao hơn một bước.
Sáng ngày mồng 2 Tết, Bộ Y tế lại họp với các Bộ ngành và WHO. Tại cuộc họp đó vấn đề công bố sớm khi chưa được WHO xác nhận và yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với khách nhập cảnh cũng vẫn có người nêu lại, nhưng chúng tôi đã phân tích kỹ và tiếp tục đưa ra các biện pháp mạnh hơn. Sau này có anh em nói lại với tôi là lúc đó cũng đề nghị chưa công bố, nhưng giờ nghĩ lại nếu lúc đó không công bố thì không biết tình hình sẽ như thế nào?
-
- Thưa Phó thủ tướng và Thứ trưởng, lúc buộc phải công bố ca nhiễm đầu tiên khi chưa có mẫu thử chuẩn của WHO, ông nghĩ gì?
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Tôi thấy đó là quyết định khó khăn lớn nhất trong cuộc đời làm y tế của mình. Vì khi công bố thì chúng ta phải thay đổi hết các quyết định về y tế dự phòng, về giám sát dịch, đặc biệt là đời sống sinh hoạt của người dân.
Thời điểm lúc đó là khoảng 29 Tết, là cận Tết rồi. Tôi sau khi công tác về, nhận điện của Phó thủ tướng phân công vào thăm 2 ca bệnh đang nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc đó, người bố bắt đầu nặng, đã phải thở không xâm lấn, còn người con thì tương đối khỏe.
Sau đó, tôi báo cáo Phó thủ tướng và gọi điện cho Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM thì biết kết quả là dương tính sau khi xét nghiệm lại lần thứ hai. Không phải do ta không có mồi chuẩn, mà quy định lúc đó là phải gửi ra nước ngoài để xác định lại bởi phòng lab WHO công nhận, rồi mới công bố. Còn quy trình trong nước là ta giao cho một bộ phận, lúc đấy đang ở Hà Nội, đó là Cục Y tế dự phòng có trách nhiệm báo cáo lên lãnh đạo Bộ để công bố.
Thời điểm đó hết sức là nhạy cảm, nên tôi xin ý kiến của Phó thủ tướng và được chỉ đạo. Sau đó tôi công bố với báo chí 2 ca dương tính đầu tiên. Và sau khi công bố thì kích hoạt hệ thống của chúng ta. Sau một thời gian ngắn, phát hiện tiếp viên khách sạn ở Khánh Hòa tiếp xúc với cả ca này.
Tôi nghĩ công bố ca bệnh đầu tiên là quyết định khó khăn, nhưng phải nói là chúng tôi không hối hận.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Lúc đó là 29 Tết mình công bố xong, 30 Tết mình họp lại ngay và mời WHO tham dự. Tại cuộc họp đó, vẫn có ý kiến nêu lên là việc Việt Nam công bố như thế chưa đúng. Nhưng chúng tôi kiên trì thuyết phục, tăng cường biện pháp kiểm soát, đặc biệt là bắt buộc khai báo y tế với người tới từ Trung Quốc.
Khi đó, WHO cho biết không khuyến khích việc hạn chế đi lại, giao thương. Cũng chưa có nước nào khai báo y tế bắt buộc. Nhưng chúng tôi đã thuyết phục rằng Việt Nam có đường biên giới rất dài và Việt Nam có điều kiện hạn chế hơn các bạn, nên chúng tôi làm biện pháp sớm hơn một bước, cao hơn một mức, để góp phần chống dịch chung với các nước bạn và thế giới. Và ta kiên trì chiến lược đi trước sau này.
-
- Thưa thứ trưởng Duy, truyền thông dường như ít đề cập đến sự tham gia của công nghệ cũng như các nghiên cứu khoa học ở giai đoạn chống dịch năm qua. Thứ trưởng có thể chia sẻ gì về việc này? (Trần Văn An, Hà Nội, 50 tuổi)
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy: Đúng là ngành khoa học đồng hành cùng ngành y tế trong cả quá trình chuẩn bị, tuy nhiên không phải dễ dàng truyền thông. Chúng tôi luôn cảm thấy tự hào khi kết quả nghiên cứu được ngành y tế triển khai trong thực tiễn, kể đến tất cả nghiên cứu triển khai từ gần 20 năm trước, từ khi dịch SARS, nghiên cứu các cách phòng chống chữa, các thiết bị y tế.
Riêng tôi, kinh nghiệm 20 năm trước, tôi tham gia tình nguyện nghiên cứu máy thở, kết quả ngành y tế là do sự tích lũy nhiều, khoa học nhiều khi khoa học để rất lâu, sau đó để một thời điểm mới đưa vào sử dụng. Trực tiếp Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, bộ trưởng Khoa học công nghệ..., hình thành các đơn vị tham gia công tác chống dịch, triển khai nghiên cứu bộ kít, nghiên cứu vaccine.
Ngoài ra, có tổ công tác thứ 2, đặc biệt, ít đc truyền thông biết đến là tổ thông tin đáp ứng nhanh, được hình thành theo cơ chế cách làm từ đề án hệ tri thức về số hóa, chỉ đạo từ Phó thủ tướng Đam, tham gia từ nhiều đối tượng khác nhau, từ nhà khoa học đến doanh nghiệp, văn hóa nghệ thuật.
Khi có dịch dự kiến bùng phát, lập tức chúng tôi thấy cần ngay một cơ chế hình thành tổ công tác đặc biệt làm sao triển khai công nghệ phân tích dữ liệu, đưa ra dự báo, hỗ trợ địa phương công tác truy vết, tiếp xúc với người nguy cơ nhiễm bệnh. Tổ công tác hình thành hơn 200 người, là các tình nguyện viên, các nhà khoa học bên cộng đồng y tế dự phòng, nhà toán học, công nghệ thông tin, doanh nghiệp nhỏ, sinh viên y, y tế cộng đồng, đại học ngoại thương, làm việc say sưa trong suốt một năm, đặc biệt trong đợt cao điểm, trực chiến 24/24.
Tôi rất tự hào vì khi dịch bùng phát đợt đầu, được đóng góp và tham vấn trực tiếp với Phó thủ tướng, thứ trưởng y tế...
-
- Tôi được nghe nhiều về đóng góp của công nghệ thông tin trong thành công kiểm soát dịch ở Việt Nam. Tôi cũng nghe nói nhiều về phần mềm Bluezone, nhưng thực tế vẫn có nhiều người không cài đặt, sử dụng vì không quen và cũng ngại. Bản thân tôi, thú thực cũng có cài đặt nhưng không bật. Thẳng thắn mà nói như vậy có hình thức không? (Trần Mạnh Kiên, Hải Phòng)
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Đúng là ngành CNTT-TT đã rất tích cực tham gia và đóng góp không thể thiếu. Trước hết nói về truyền thông. Nếu không có lực lượng truyền thông thì làm sao người dân được thông tin kịp thời, đầy đủ và đồng tình ủng hộ, tham gia thực hiện chống dịch như thế. Không chỉ chống dịch mà còn có biết bao nghĩa cử cao đẹp nữa. Từ trẻ em tới các cụ già. Cảm động vô cùng. Nghe báo chí nước ngoài ca ngợi những ATM gạo của Việt Nam ai mà không cảm động, không tự hào.
Quay lại trả lời câu hỏi của bạn về phần mềm bluezone. Như nhiều phần mềm khác, phần mềm này càng nhiều người dùng thì càng hiệu quả. Lý tưởng là được 60-70 phần trăm người dân. Đây cũng là mơ ước của lực lượng chuyên môn chống dịch. Có lúc chúng ta cũng đã tới gần 20 triệu người cài nhưng chưa được liên tục.
Giới CNTT còn đưa ra được nhiều phần mềm, nhiều công cụ khác nữa. Chắc nên để anh Duy nói chi tiết hơn.
-
- Thứ trưởng Duy có thể nói thêm gì về ứng dụng Bluezone?
Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Rất may trong đợt dịch này, có nhiều người chỉ đạo rất cao vừa làm trực tiếp, lúc đó anh Vũ Đức đam vừa là phó thủ tướng, vừa trực tiếp chỉ đạo ngành y tế, rất sát với anh Trường Sơn và là một người trong nhiều năm tập trung chỉ đạo liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin. Ngay khi có nguy cơ bùng phát dịch, Phó thủ tướng đã triệu tập các anh em Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, ngay lập tức huy động tất cả giải pháp công nghệ thông tin vào trong chống dịch. Đây là quyết định vô cùng đúng đắn.
Nếu không có các thông tin từ khi khia báo cửa khẩu, trong đợt dịch tháng 3 chúng ta không thể theo dấu, truy vết hết các bệnh nhân.
Rất may là nhờ các chỉ đạo ban đầu, với các bản khai báo điện tử khi nhập cảnh, khai báo nCoV... chúng ta có dữ liệu đầu vào với thông tin chi tiết để giúp đưa ra các quyết định nhanh chóng chính xác.
Chúng tôi xuống tận người dân, gặp người dân, đưa ứng dụng thông tin giúp người dân có được một quyền quan trọng: họ được biết khi có nguy cơ. Nhiều người lo lắng về quyền riêng tư nhưng nó phục vụ trực tiếp cho công tác chống dịch.