Dương Tử Thành -
Tại tọa đàm “Quyên” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, số người có tham luận chuẩn bị sẵn cũng như phát biểu tại chỗ khá đông so với các cuộc tọa đàm trước của Hội Nhà văn trong loạt tiểu thuyết đoạt giải.
![]() |
Bìa tiểu thuyết "Quyên". |
Vốn là một thạc sĩ giáo dục, nhà văn Di Li dùng lý thuyết về “thứ bậc nhu cầu của con người” của nhà tâm lý học người Mỹ Abraham Maslow Harold để soi chiếu “Quyên”. Chị chứng minh những nhân vật trong “Quyên” bị đẩy vào con đường cùng, bị tước đoạt hết các nhu cầu, chỉ còn lại nhu cầu bản năng nguyên thủy để rồi đi đến chỗ vô tăm tích... Chị cho rằng, con người luôn băn khoăn với câu hỏi sinh ra từ đâu, sẽ đi về đâu, “Quyên” của Nguyễn Văn Thọ đã đi tìm câu trả lời cho băn khoăn muôn thuở đó. Di Li cũng tỏ ra thích thú về lượng thông tin dồi dào về người Việt ở nước ngoài trong tác phẩm khiến tiểu thuyết đậm hơi thở đời sống.
Trong tham luận của mình, nhà văn Tô Đức Chiêu nhận định, “Quyên đã diễn lại một sự thật của đời người”. Sau khi diễn giải về những điều đáng ghi nhận của tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ, Tô Đức Chiêu tỏ ra tiếc nuối: “Ở đây có phong ba bão táp, có sống chết, có chia ly đẫm lệ, nhưng trí tưởng tượng của nhà văn dường như chỉ dừng ở mức thuật lại. Người kể tỏ ra có vốn sống, có trải nghiệm, nhưng tôi cho rằng phải chăng anh hơi tỉnh, thành ra tiểu thuyết gọi người đọc mở trang này tới trang khác là đuổi theo sự kiện cốt truyện, chứ chưa phải sự chắt lọc của hình tượng buộc người đọc rút ra triết lý của đời để mà ngẫm nghĩ, mà khắc khoải, mà nhận biết, đặng nhẩm tính ra điều gì đó có ích cho bản thân mình…”. Giáo sư Phong Lê thì cho rằng, văn học Việt Nam vốn có 2 chất liệu lớn là chiến tranh và nông thôn, giờ đây có lẽ cần phải bổ sung một chất liệu thứ ba là người Việt xa xứ. Ông cũng cho rằng “Quyên” là một cuốn sách dễ đọc và thú vị vì chất liệu mới, nhân vật tha hương nhưng mang đậm hồn cốt Việt, đi ra từ lòng văn hóa Việt, vì thế đã đi vào công chúng.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ - tác giả cuốn "Quyên". |
Nhà phê bình Nguyễn Hòa, một người được đọc “Quyên” từ khi còn ở dạng bản thảo nói, từ cuộc di dân của những người Việt vì lý do kinh tế, họ phải nhập thân về văn hóa. Nguyễn Hòa cũng cho rằng Nguyễn Văn Thọ đã thành công khi khai thác khía cạnh văn hóa, cho thấy văn hóa là yếu tố neo giữ tâm hồn con người với cội rễ. Nhìn nhận về tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ anh đánh giá, “có thể coi 'Quyên' là một phần của pho sử lêu đêu vất vưởng của một bộ phận người Việt những năm tám mươi”.
Có mặt tại buổi tọa đàm, dịch giả, TS Thụy Anh, người có gần hai mươi năm sống xa quê hương cho biết, có đến 80% gia đình những người bạn của chị đang sinh sống tại các nước có “Quyên” ở trong nhà, điều đó cho thấy sức lan tỏa và mức độ quan tâm của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đối với tiểu thuyết của Nguyễn Văn Thọ. Cũng là một tác giả trẻ nhưng chị có cái nhìn về “Quyên” khác với Di Li, Thụy Anh đồng ý với quan điểm của nhà phê bình Nguyễn Hòa ở cách nhìn nhận, những khác biệt về văn hóa mà nhân vật phải gánh chịu, việc bị bứng ra khỏi cội rễ quê hương và ném vào một không gian sống khác hoàn toàn khiến họ bị sốc và không thể hòa nhập được vào không gian sống ấy mới chính là bi kịch, còn việc số phận chìm nổi của nhân vật thì đã là con người thì dù ở trong nước hay nước ngoài đều như nhau cả, và cũng không nên soi chiếu xem câu chuyện ấy có thật hay không. Chị cũng thẳng thắn cho rằng, khi còn ở Nga, chị đã đọc truyện ngắn Quyên trước đó của Nguyễn Văn Thọ và thấy ám ảnh hơn là khi tác giả triển khai nó thành tiểu thuyết, vì khi đọc tiểu thuyết chị có cảm giác bị dàn trải và đôi khi có những dàn trải mà bạn đọc… không cần, tuy nhiên chị cũng thích cái kết “tình cảm” của “Quyên” khi tác giả đã để cho câu chuyện kết thúc nhân văn, vạch cho nhân vật một con đường sống.
![]() |
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ về cuốn sách. |
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng kể lại câu chuyện 3 năm trước khi bản thảo “Quyên” được gửi đến nhà mình. Vợ anh đã dương mục kỉnh đọc cả tuần, sau đó cô giúp việc cũng giữ lại một tuần để đọc, sau đó mới đến lượt… nhà phê bình Bùi Việt Thắng. Anh chia sẻ, gần ba năm sau khi “Quyên” ra đời, đọc lại vẫn thấy thích thú và say mê. Anh cho rằng, “Quyên” của Nguyễn Văn Thọ đã nói được vấn đề thân xác và thân phận. Vượt lên câu chuyện về những thân phận tha hương, “Quyên” đã chạm đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ và được đông đảo bạn đọc đón nhận.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì buổi tọa đàm đã phát biểu kết luận, ý nghĩa xã hội của “Quyên” nằm ở chỗ nhân vật đã tìm thấy ánh sáng trong bóng tối.