Lúc đó, tôi đồng tình với suy nghĩ "quyền tự quyết của người lao động phải được tôn trọng". Bảo hiểm xã hội dù là bắt buộc, nhà nước dù xuất phát từ trách nhiệm đảm bảo an sinh cho người dân thì người lao động vẫn phải được quyền quyết định khoản tiền mình đã đóng.
Trước áp lực của cuộc ngừng việc, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chưa kịp có hiệu lực đã bị khai tử khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 93.
Khi ấy, tôi nghĩ cái lý của chúng tôi đúng và đã thắng.
Tháng trước, tôi gặp chị Liên, có gần 20 năm làm việc ở Pouyuen với vị trí quản lý, lương cơ bản gần 15 triệu đồng. Chị xin nghỉ việc hai năm trước và rút được gần 200 triệu đồng tiền bảo hiểm. Chị dùng hơn một nửa để trả nợ xây nhà, sắm một cây vàng, còn lại "tiêu vào mấy việc linh tinh".
Chị Liên nói mình hoàn toàn có lựa chọn khác để trả khoản nợ xây nhà như vay ngân hàng, quỹ trợ vốn của công đoàn... rồi trích lương trả dần, nhưng rồi chị nghĩ sao phải trả lãi vay khi đang có 200 triệu đồng bảo hiểm. Nghỉ việc, chị sẽ vừa làm thời vụ vừa nhận trợ cấp thất nghiệp 12 tháng, đúng bằng thời gian chờ rút một lần. Số tiền nhận được dư trả nợ, lại còn có vốn làm ăn. Mường tượng ra hàng loạt điều có lợi, chị quyết định đưa đơn.
Liên đã thực hiện được quyền tự quyết với số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội của mình, điều mà chị và đồng nghiệp phải đấu tranh để giành lấy tám năm trước.
Nhưng rủi ro là thứ chị không quyết được. Thu nhập từ công việc mới chưa bằng một nửa lương cũ trong khi chi phí sinh hoạt "không hề giảm". Để bù đắp phần thiếu, chị bán dần số vàng, khoản tích lũy còn lại của gần 20 năm đóng bảo hiểm.
Rút bảo hiểm, khoản tiền dành cho tuổi già, để chi tiêu khi còn trẻ là lựa chọn của gần 4,85 triệu người giai đoạn 2016-2022. Xu hướng này dự báo ngày càng tăng. Tại Pouyuen, nơi xảy ra vụ ngừng việc, mỗi tháng trung bình có 500-600 công nhân chủ động nghỉ việc, phần nhiều trong số đó rút toàn bộ số tiền đóng góp vào quỹ, giống như Liên. Cho phép rút toàn bộ tiền bảo hiểm ở bất kỳ thời điểm nào là chính sách gần như chỉ Việt Nam thực hiện, theo ghi nhận của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Trong những lần tác nghiệp, tôi nhiều lần xuống khu trọ gần 2.000 phòng ở thủ phủ công nghiệp Bình Dương. Chiếm phần lớn là các gia đình công nhân ba thế hệ gồm ông bà hết tuổi lao động, bố mẹ làm công nhân và những đứa trẻ không đến trường. Từ giữa năm ngoái, các nhà máy giảm đơn hàng. Thu nhập của bố mẹ không đủ nuôi cả gia đình.
Những ông bà vốn không có bất kỳ khoản trợ cấp nào kéo nhau đi nhặt ve chai kiếm mỗi ngày chừng 10.000 đồng hoặc hái rau dại, bắt ốc... phụ các con bữa cơm. Họ nằm trong số 9,6 triệu người già "mất hút" giữa các tầng an sinh, tức không có tên trong hệ thống bảo hiểm xã hội nhưng chưa đủ 80 tuổi để hưởng trợ cấp do ngân sách chi trả.
Theo khảo sát của Bộ Y tế, Viện nghiên cứu Y Xã hội học và Ngân hàng Phát triển châu Á, nguồn thu nhập của người già Việt Nam phần lớn (38%) tới từ hỗ trợ của con cái, 29% từ tiếp tục làm việc, chỉ 15% hưởng hưu trí và 10% nhận trợ cấp xã hội.
Tôi nghĩ đến cuộc sống 10-15 năm nữa của Liên, điều gì sẽ đảm bảo an toàn thu nhập cho chị khi không còn sức làm việc?
Một lý lẽ thường được lao động viện dẫn khi nhận trợ cấp một lần là: lấy tiền gửi vào ngân hàng sẽ có lợi hơn để trong quỹ chờ lương hưu. Tuy nhiên, các nghiên cứu của ILO, World Bank chỉ ra rằng hầu hết người rút bảo hiểm sẽ tiêu sạch số tiền nhận một lần trong vòng ba năm. Nghĩa là phần lớn họ đã chọn trở thành "người nghèo dự bị" trong tương lai.
Bây giờ, tôi tự hỏi quyền tự quyết rút bảo hiểm một lần có thực sự đúng và tốt nhất cho họ không?
Việt Nam đang nỗ lực phủ lưới an sinh theo mục tiêu Nghị quyết 28. Lần đầu tiên, hưu trí xã hội được đưa vào dự thảo Luật Bảo hiểm sửa đổi. Độ tuổi hưởng cũng giảm từ 80 xuống 75. Mức trợ cấp 500.000 đồng mỗi tháng. Đây là điểm tiến bộ so với quy định hiện hành song chưa ưu việt so với nhiều nước. Chẳng hạn Thái Lan, nhà nước đảm bảo tất cả người dân từ 60 tuổi nhận sàn hưu trí 800 baht (gần 550.000 đồng) từ ngân sách.
Một chuyên gia về lĩnh vực an sinh nói với tôi nếu Việt Nam áp dụng chính sách tương tự sẽ tạo áp lực rất lớn lên ngân sách. Mới hạ độ tuổi xuống 5 năm, đã có thêm 700.000 người cao tuổi vào hệ thống, tương đương mỗi năm ngân sách chi thêm 7.100 tỷ đồng (gồm cả trợ cấp hàng tháng, bảo hiểm y tế miễn phí, trợ cấp tử tuất...).
Thái Lan làm được sàn hưu trí cho tất cả lao động, một phần vì pháp luật không cho phép nhận trợ cấp một lần. Hầu hết người đi làm sẽ hưởng lương hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội, tức khoản đóng góp của chính họ trong quá khứ.
Nếu chúng ta ủng hộ quyền tự quyết rút bảo hiểm của lao động và lại muốn giảm độ tuổi hưởng hưu trí xã hội thì chính mỗi người phải sẵn sàng đóng thuế nhiều hơn để ngân sách đảm bảo nguồn chi trả. Đặc biệt khi Việt Nam trở thành nước có dân số già vào năm 2036, số người trong độ tuổi lao động sẽ giảm mạnh và người cao tuổi tăng nhanh.
Mới đây, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng hạn chế và sớm chấm dứt tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần khi còn tuổi lao động.
Đây là điều cần thiết và nên sớm thúc đẩy để lương hưu phải là đích đến duy nhất của bảo hiểm xã hội. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh, đề xuất này phải đi kèm với lộ trình cải thiện tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội, nâng cao quyền lợi của người tham gia.
Bảo hiểm xã hội không phải là ngân hàng. Theo Công ước của ILO, đó là sự đảm bảo an sinh cho người lao động khi về già.
Lê Tuyết