Ở Mỹ, cụm từ "tài liệu tòa án" (case file) dùng để chỉ biên bản chính thức của tòa, bao gồm lời bào chữa, chứng cứ, lệnh của tòa, lời khai được ghi chép lại trong toàn bộ phiên xét xử, và các tài liệu liên quan.
Theo Connor Reporting, người dân Mỹ có quyền tiếp cận mọi văn bản trong hồ sơ của mọi vụ việc, trừ văn bản bị niêm phong hoặc thuộc danh sách mật. Các văn bản này có thể được sử dụng vào mục đích báo chí và nghiên cứu nhưng không cho mục đích thương mại.
Ở cấp liên bang, hầu hết các văn bản được số hóa và tải lên hệ thống Quản lý Bản án/Tài liệu Bản án Điện tử (viết tắt là CM/ECF). Cơ quan truyền thông và công chúng có thể xem bản án và tài liệu liên quan qua dịch vụ tiếp cận bản án điện tử, có tên là PACER. Để sử dụng dịch vụ này, người ta cần mở tài khoản tại trang pacer.gov.
Với một số vụ án được truyền thông và công chúng quan tâm, nhiều tòa dành riêng một mục có tên "Vụ việc nổi bật" để đăng tải hồ sơ, lệnh của tòa, và đôi khi là cả bằng chứng vụ việc. Một số tòa còn sử dụng dịch vụ email/tin nhắn để thông báo cho phóng viên khi vụ việc có diễn biến quan trọng.
Người sử dụng cần trả 0,10USD/trang khi xem hồ sơ trong hệ thống PACER, tối đa 3 USD cho một hồ sơ. Số tiền sử dụng dịch vụ được trả theo mỗi quý. Tổng tiền một quý nếu không quá 15 USD sẽ được miễn phí. Nếu người dùng trực tiếp tới xem tại trụ sở tòa án sẽ được xem miễn phí cả bản điện tử và bản cứng, nhưng vẫn phải trả phí nếu muốn photocoppy.
Dù phiên tòa được xét xử công khai, bản án điện tử sẽ không bao gồm toàn bộ thông tin vụ việc. Quy định tòa liên bang yêu cầu phải gạch bỏ một số thông tin để bảo vệ bí mật cá nhân như số bảo hiểm xã hội, số khai thuế cá nhân, ngày sinh, họ tên của trẻ nhỏ, thông tin tài khoản ngân hàng, và địa chỉ nhà riêng.
Bên cạnh đó, quy định pháp luật thường không cho công chúng tiếp cận một số tài liệu khác như lệnh triệu tập hoặc bắt giữ chưa được thực thi, hồ sơ vụ việc của người vị thành niên, tài liệu chứa thông tin về bồi thẩm viên...
Ngoài các trường hợp theo luật định ở trên, trong một số vụ việc, thẩm phán có quyền niêm phong hoặc đưa tài liệu vào danh sách mật để bảo vệ danh tính nạn nhân hoặc người cung cấp thông tin để tránh làm lộ bí mật cuộc điều tra tội phạm đang diễn ra hoặc để bảo đảm quyền lợi luật định của bị đơn.
Các trường hợp thuộc quyền quyết định của thẩm phán là tài liệu chứa thông tin mật ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hoặc thông tin về bí mật kinh doanh; niêm phong bản án hình sự và bản chép lại lời khai để bảo vệ nhân chứng không bị trả thù; niêm phong hồ sơ vụ việc dân sự trong giai đoạn tìm kiếm chứng cứ để bảo vệ các bên tham gia không bị quấy nhiễu, mất thể diện hoặc cưỡng ép...
Các bên trong một vụ việc có quyền gửi đơn yêu cầu niêm phong tài liệu, nhưng cần đưa ra lý do thuyết phục. Đơn yêu cầu sẽ được lưu lại trong hệ thống PACER. Khi đó, tòa án sẽ cho các bên không tham gia vào vụ việc (ví dụ như cơ quan báo chí) có cơ hội đệ đơn yêu cầu tòa án bác bỏ đơn xin niêm phong. Quyết định sau cùng thuộc về thẩm phán thụ lý vụ việc.
Ở cấp độ tiểu bang, tòa án mỗi bang đều có cách quy định của riêng mình về loại tài liệu bị niêm phong hoặc thuộc danh sách mật, nhưng hầu hết đều không công khai tài liệu như biên bản xét xử của tòa vị thành niên, biên bản xét xử vụ việc buộc chữa bệnh tâm thần, số an sinh xã hội, số tài khoản tài chính, biên bản vụ việc nhận con nuôi, biên bản vụ việc xác định quan hệ cha con, lệnh hạn chế tiếp xúc trong vụ việc bạo hành gia đình,...