Một cảnh sát giao thông tức tốc đuổi theo, chặn chiếc xe gây tai nạn, giữ giấy tờ xe rồi yêu cầu quay về hiện trường. Nhưng tài xế lại quyết định… bỏ chạy.
Vợ tôi may mắn không gặp chấn thương nghiêm trọng, chỉ có chiếc xe máy vỡ tan đèn. Tôi đến nơi, giận điếng người nên tìm cách liên lạc với Tổng cục trưởng, tổng cục chủ quản của cái xe gây tai nạn. Ông tổng cục trưởng yêu cầu anh tài xế tìm vợ chồng tôi giải quyết.
Tối hôm ấy, tài xế gọi điện cho vợ tôi. Câu đầu tiên anh ta hỏi, bằng một giọng sợ sệt: “Chị là nhà báo à?”. Vợ tôi cúp máy luôn. Rất đáng giận: điều đầu tiên anh tài xế quan tâm là có phải mình vừa “gây chuyện” với một quyền lực gì đó, chứ không phải là một câu thăm hỏi người vừa bị mình đâm ngã.
Sau, anh tài xế xin lỗi, sửa xe và chịu tiền chụp chiếu kiểm tra sức khỏe cho vợ tôi. Chuyện dừng lại ở đó.
Nhưng cái câu “Chị là nhà báo à?” ấy mỗi lần nghĩ lại tôi vừa bực vừa buồn cười. Anh tài xế đã xử lý sự việc bằng một loạt hành động đầy tính coi thường. Bỏ chạy lần đầu là coi thường người dân. Bỏ chạy sau khi đã bị cảnh sát giữ giấy tờ là coi thường luật pháp. Và cuộc điện thoại là sự coi thường hậu quả của hành động mình đã gây ra.
Tôi không tìm được lý do nào hơn cho chuỗi hành động coi thường ấy, ngoài việc anh ta lái một chiếc xe biển xanh 80B - ký hiệu của những xe đầy quyền lực trong mắt nhiều người.
Rất dễ dàng nhìn thấy lối ứng xử ấy từ những người lái xe công vụ. Mới đây nhất là việc một chiếc xe của Tổng cục Hải quan đi ngược chiều ở TP HCM trong giờ cao điểm va chạm với xe khác. Sau khi va chạm, chiếc xe này vẫn cố tình đi tiếp trái làn đường (dù có dải phân cách cứng). Đoạn video ghi lại sự việc cho thấy ngay cả khi người dân tỏ đã thái độ phẫn nộ, chặn xe lại, anh tài xế vẫn ngồi trong xe để phân giải.
Người tài xế xét cho cùng chỉ là một viên chức bình thường. Câu hỏi đặt ra, điều gì đã tạo cho họ tâm lý trịch thượng ấy? Bản thân cái biển xanh không phải nguyên nhân duy nhất. Mà bởi vì, anh ta là tài xế của lãnh đạo, một người “có quan hệ” trong hệ thống công quyền và có quyền mang một sự tự tin phi nghĩa.
Thái độ ấy có thể được nhìn thấy ngay ở một nhân viên gác cổng cơ quan công quyền. Bạn có thể đối mặt với sự nhũng nhiễu của “cửa quan” ngay từ lúc đi qua cổng. Thái độ ấy thậm chí có thể thấy ở người nhà của cán bộ. Đơn cử như vụ… chồng của một hiệu trưởng ở Bình Phước đập vỡ điện thoại phóng viên kèm lời đe doạ “Tao gọi công an đến gô cổ, mày sẽ biết tao là ai”.
Một cán bộ nếu mang tâm lý “quan phụ mẫu” đã là một vấn đề. Nhưng để cái tâm lý trịch thượng ấy lan sang cả những mối quan hệ thường ngày, từ người lái xe, anh thường trực, người thân trong gia đình thì vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều. Nó cho thấy sự lạm dụng quyền lực phổ biến và dễ dàng đến mức độ nào.
Trong lần chúng tôi làm việc với một bộ trưởng, cuộc phỏng vấn phải dừng lại giữa chừng vì điện thoại của phu nhân bộ trưởng gọi đến báo: tài xế đang bị cảnh sát giao thông giữ vì phạm luật. Bộ trưởng liền gọi đi đâu đó. Đầu dây bên kia, nghe như tiếng dạ dài. Tôi không hỏi ông gọi đi đâu, chỉ biết chắc chắn, cỡ như ông việc can thiệp để cảnh sát giao thông bỏ qua lỗi cho tài xế là chuyện quá vặt vãnh.
Vì thế anh lái xe biển xanh đâm vào vợ tôi và ung dung bỏ đi chắc hẳn cũng tin rằng việc lấy lại giấy tờ xe bị thu giữ chỉ là chuyện vặt. Quyết định mặc kệ người bị đâm, bất chấp cảnh sát là của một người rất ý thức rằng mình có quyền lực, dù đó chỉ là quyền lực của một kẻ dựa hơi.
Tiếc rằng đó là một tình trạng phổ biến. Truyền thông xã hội lên ngôi, hoạt động giám sát của người dân tăng cao đã làm lộ ra thêm các biểu hiện lạm dụng quyền lực. Nhưng nó cũng chỉ giúp xử lý được các trường hợp đơn lẻ, chứ không làm thay chuyển được bản chất vấn đề.
Vấn đề là bởi ở nhiều nơi, quyền lực nhiều đến mức có thể đem san sẻ cho bất kỳ ai. San sẻ chút ít thôi, đã đủ để anh tài xế cho phép mình đứng cao hơn luật pháp.
Đức Hoàng